top of page

Itaewon Class và ví dụ điển hình của sự thất bại trong việc phát triển nhân vật

Writer's picture: Đinh Tuấn AnhĐinh Tuấn Anh

[Đây là bài viết mình đăng lại từ một Note mà mình đã viết vào ngày 21/03/2020 trên Facebook cá nhân. Bài note được publish ngay sau khi tập 15 của Itaewon Class ra mắt trên Netflix (tập cuối là tập 16)]

itaewon-class-và-ví-dụ-điển-hình-của-sự-thất-bại-trong-việc-phát-triển-nhân-vật

Lớp Biên kịch 101 của Tuấn Anh hôm nay chúng ta sẽ bàn về series nổi đình đám gần đây trên Netflix - Tầng lớp Itaewon (hay Itaewon Class), một bộ phim của Hàn Quốc được chắp bút bởi biên kịch Jo Kwang Jin, mà theo mình tìm hiểu thì đây là bộ phim đầu tiên anh này đứng ở vai trò biên kịch.


Thú thực thì thời gian đầu đây là series cực kỳ cuốn hút mình bởi một kịch bản mới lạ, khác biệt rất nhiều so với những bộ phim K-Drama mà mình từng biết tới, vốn tập trung vào các câu chuyện tình cảm với dày đặc các tình tiết ngôn tình sướt mướt. Mình không hạ thấp những ai thích thể loại phim này, chỉ đơn giản là không thể ngấm nổi nó thôi. Với Itaewon Class, mình đã thức đến 3h sáng để xem trọn 8 tập đầu (tức 1/2 season) chỉ trong 1 ngày bởi 2 lý do: Nội dung tập trung vào thứ-gì-đó ngoài ngôn tình nhưng vẫn rất hấp dẫn và nhân vật Oh Soo Ah (sẽ đề cập ở phần sau).


Tuy nhiên, sau khi tập 15 ra mắt thì tất cả với mình chỉ còn lại những sự thất vọng tột cùng bởi một nguyên nhân rất lớn, bao trùm lên cả series: Sự phát triển nhân vật. Không dám tự xưng là giỏi hơn biên kịch Jo Kwang Jin, nhưng với hiểu biết ít ỏi về Storytelling của mình, dưới đây mình xin phân tích những vấn đề mà Itaewon Class gặp phải.


Lưu ý 1: Bài phân tích được dựa trên các kiến thức căn bản về Storytelling (mà mình sẽ để nguồn tham khảo ở cuối), vậy nên rất tiếc nếu mình có chê bai nhân vật nào đó mà bạn thích trong phim.


Lưu ý 2: Bài phân tích của mình không bàn đến logic ngoài đời thực, tức là không bàn đến việc ngoài đời phải thế này phải thế kia, mà chỉ sử dụng các nguyên tắc trong biên kịch.

1. PARK SAEROYI VÀ ĐỨC TIN “BẤT DIỆT”


Thật đáng tiếc, nhân vật trung tâm của phim lại là nhân vật gây thất vọng nhất. Trong điện ảnh có thuật ngữ “A Story”, “B Story”, “C Story”,... để chỉ các câu chuyện khác nhau diễn ra trong cùng một bộ phim. Trong đó, A story là câu chuyện trung tâm và là vấn đề mấu chốt của cả bộ phim, bằng cách này hay cách khác thì cuối cùng nó phải được giải quyết. B story, C story,... (còn được gọi là các subplot) là những diễn biến phụ, phát triển song song với A story nhưng được cài cắm vào để củng cố tính cách và niềm tin của các nhân vật. Thông thường, nếu một bộ phim không phải về chủ đề tình cảm lãng mạn thì B story của nó sẽ là love story.


Ví dụ: Trong Inception (2010), A story là câu chuyện về việc nhóm của Dom cấy ghép ý tưởng vào đầu Fischer, để Dom không còn bị truy nã và có thể gặp lại 2 đứa con của mình. Trong đó có B story là việc Dom phải ngừng để Mal, người vợ quá cố, luôn xuất hiện trong các giấc mơ và ngăn cản việc Dom làm. B story là vô cùng cần thiết để mọi người hiểu rõ động cơ của Dom và tăng thêm kịch tính cho phim này.


Còn trong Itaewon Class thì sao? Ngay từ tập 1 phim đã setup đầy đủ cho khán giả về A story sẽ diễn ra xuyên suốt series: Park Saeroyi quyết tâm hạ bệ Jangga của Chủ tịch Jang Dae Hae vì ông ta cùng con trai đã giết Trưởng phòng Park và che đậy việc đó (Mục tiêu thứ 2 là biến DanBam trở thành thương hiệu ẩm thực số 1 Hàn Quốc, nhưng điều này không được đề cập một cách mạnh mẽ và nhiệt tình như mục tiêu trước). Còn chuyện tình cảm giữa 3 nhân vật: Park Saeroyi, Oh Soo Ah và Jo Yi Seo, được set up từ khoảng tập 4-5, dĩ nhiên là B story.


Và rồi, cảnh Park quỳ gối ở tập 15 vừa rồi đã đạp đổ toàn bộ main plot xuyên suốt được xây dựng từ tập 1. Việc quỳ gối được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt series là biểu tượng của sự thất bại của Park trước ông Jang, việc mà Park không bao giờ để xảy ra. Về mặt cá nhân mà nói, trong những tập đầu mình vô cùng thích nhân vật Park vì một phần mình nhìn thấy bản thân trong đó (sự bảo thủ, cứng đầu và niềm tin về một thế giới mà con người không cần phải dùng thủ đoạn để đi lên), và cảnh phim cuối của tập 15 không chỉ phá vỡ main plot mà còn là gáo nước lạnh đổ thẳng xuống đầu mình. Nhân vật Park vốn dĩ nhạt nhòa vì không có sự phát triển đi lên, nay thậm chí còn “đi lùi”, tất cả chỉ để phục vụ cho subplot là vấn đề tình cảm của anh này với Jo Yi Seo. Bộ phim từ việc tập trung vào phản ánh sự phân biệt giai cấp, bảo vệ lẽ phải và củng cố đức tin của con người, nay đã trở thành một bộ phim ngôn tình đúng nghĩa.


Bạn có thể nói rằng Park vẫn có thể quỳ gối ở tập 15 và đánh bại Jangga ở tập 16 và như vậy mục tiêu cuối cùng của anh ta vẫn đạt được. Xin nhắc lại rằng hành động quỳ gối tự nó đã mang tính biểu tượng cho sự thất bại. Đây vốn đã là một biểu tượng phổ biến và được sử dụng rộng rãi (cảnh ông già Đức không chịu quỳ gối trước Loki trong The Avengers, bộ tộc biên giới quỳ gối thua trận trong Black Panther, cảnh “Bow before me or die” trong God of Egypt,...)


Một điều nữa khiến nhân vật Park Saeroyi trở nên nhạt nhòa, đó là thứ gắn liền với các khái niệm “static”, “dynamic”, “want” và “need” của nhân vật trong câu chuyện. Trước hết cần làm rõ, Park Saeroyi được xây dựng là kiểu nhân vật static, tức là không có nhiều sự thay đổi trong cách suy nghĩ và cách hành xử (tính đến trước cảnh cuối tập 15). Hình tượng này không thiếu trong phim ảnh, nhưng thường chỉ được sử dụng như nhân vật secondary, có tác động đến sự phát triển của nhân vật chính. Ngay cả những nhân vật tưởng như kiên định như Captain America hay Sherlock Holmes cũng có phần dynamic bên trong họ.


Trong Captain America: Winter Soldier (2014), Steve Rogers từ đầu đến cuối luôn là người chính trực nhưng thế giới quan của anh đã thay đổi, anh đã mất niềm tin vào hệ thống chính trị kể từ khi biết được sự mục nát của S.H.I.E.L.D. Trong Sherlock (2010 - ), Sherlock Holmes luôn là một kẻ quái dị, kết hôn với công việc và coi cảm xúc con người là điểm yếu, nhưng đã dần dần từ một kẻ không quan tâm đến ai khác trở thành một người bạn đúng nghĩa với John Watson. Đó là sự phát triển nhân vật.


Park Saeroyi đi từ một nhân vật thú vị với tính cách vô cùng riêng biệt trở thành một người ... kém thú vị vì anh ta vẫn luôn như vậy, chẳng có gì thay đổi. Trong phim ảnh, khái niệm “want” chỉ mục tiêu nhìn thấy được và định hình sẵn trong tâm trí nhân vật chính ngay từ đầu, và anh ta sẽ bằng cách nào đó đạt được mục tiêu của mình. Còn “need”, ngược lại, nói lên những thứ ẩn sâu mà bản thân nhân vật cũng không hay biết, nhưng trong quá trình phát triển nhân vật sẽ dần nhận ra; “need” gắn liền về mặt cảm xúc, cần thiết cho “want” và phản ánh sự trưởng thành của nhân vật.


Ví dụ trong Toy Story (1995), nhân vật Woody mong muốn trở thành “the most favorite toy” của Andy, để làm được điều đó cậu ta cần loại bỏ vật cản là Buzz Lightyear (want), nhưng rồi cậu ta nhận ra rằng chia sẻ thay vì chia rẽ mới giúp cậu đạt được mục tiêu của mình (need). “Need” đã giúp Woody phát triển trong suy nghĩ, trở thành người bao dung hơn và nhận được sự yêu quý ngược lại của tất cả mọi người.


Trong Itaewon Class, Park Saeroyi có “want” rất rõ ràng và đã được set up ngay từ tập 1, đó là mục tiêu lật đổ Jangga để trả thù cho cha mình, nhưng “need” thì vô cùng mờ nhạt. Anh ta đã có được một số trải nghiệm để khán giả có thể rút ra một vài bài học, như cách đối xử với con người, rằng chúng ta không thể sống thiếu đồng đội,... Nhưng những điều đó không nằm trong quá trình trưởng thành của Park mà thuộc về bản chất của anh ta. Ví dụ, ngay từ đầu Park đã biết nên giữ lại Ma Hyeon Yi rồi trả lương gấp đôi chứ không nên sa thải cô ấy, thay vì thực sự sa thải rồi nhận ra giữ lại Hyeon Yi mới là lựa chọn tốt nhất. Điều đó tốt trên thực tế nhưng lại nhạt nhẽo trong biên kịch.


Thử suy nghĩ mà xem, bạn có thể kể ra điều gì khác biệt giữa Park Saeroyi ở tập 1 và Park Saeroyi ở tập 14 hay không (trừ việc giờ anh ta đã thích Yi Seo thay vì Soo Ah)? Thậm chí về ngoại hình mà nói Park cũng không có chút thay đổi nào. Về mặt điện ảnh, các đạo diễn thường thay đổi phần nào ngoại hình nhân vật để thể hiện sự thay đổi tính cách bên trong (như sự thay đổi kiểu tóc của Jo March trong Little Women).


Mặt khác, trong B story Park lại có một sự thay đổi “ngoạn mục” và nó khá conflict với bản thân anh ta trong A story. Thực tế đến hiện tại, B story chưa đóng góp được gì nhiều vào cốt truyện chính và biên kịch đang dần biến nó từ subplot trở thành main plot.


Kết lại ở phần 1, Park Saeroyi là nhân vật mờ nhạt, không có sự phát triển và biên kịch đã biến B story thành A story, thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của bộ phim.

Nhân vật gây thất vọng nhất lại là nhân vật chính của series

2. PLOT TWIST


Plot twist vẫn luôn là đặc sản của K-drama, và một câu chuyện có thể đi xa đến mức không tưởng. Điều này vẫn luôn hấp dẫn người xem (ngay cả mình) và là lý do để rating của các bộ phim Hàn luôn có xu hướng tăng theo từng episode. Thế nhưng Itaewon Class làm plot twist như thế nào?


Plot twist là một kỹ thuật làm thay đổi diễn biến câu chuyện, thường là những tình tiết mà khán giả không lường trước để tạo sự bất ngờ, từ đó giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Nghe có vẻ đơn giản nhưng cách tạo ra plot twist hay lại thực sự khó khăn. Không chỉ đơn giản là hứng lên thì bạn đi bẻ ngoặt câu chuyện ngay lập tức, plot twist phải chặt chẽ, là hệ quả hoặc có dấu hiệu được đưa ra và tuân theo những logic được thiết lập chặt chẽ từ trước. Cách tạo nên sự hấp dẫn không phải là thay đổi 100% nhân vật đã được xây dựng trong toàn bộ phim. Một plot twist hay là khi khán giả phải ồ lên: “À, thì ra là thế, vậy mà mình không để ý”.


Ở những episode đầu, Itaewon Class có một vài plot twist mà mình chấp nhận được. Điển hình là phân đoạn Park Saeroyi gọi điện cho Lee Ho Jin và yêu cầu cậu này chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm mua cổ phần của Jangga. Vì sao plot twist này ổn? Vì nó đã có một số yếu tố được thiết lập từ trước:


  • Ho Jin là nhân vật xuất hiện từ đầu và có mối căm thù với Jang Geun Won tương tự như Park. Anh này cũng được set up là nhân vật có ngoại hình nerdy (mọt sách) để cho phù hợp với một nhân viên tư vấn tài chính (vốn cần kiến thức về xử lý số liệu). (Mình không đánh đồng là ai làm về tài chính thì nhìn cũng nerdy nhé);

  • Việc Park có số tiền tiết kiệm khổng lồ cũng được giải thích là từ tiền bảo hiểm của bố và từ việc tiết kiệm trong 8 năm lao động;

  • Một tình tiết thú vị nữa là việc sau khi ra tù Park chính là người đã mua cổ phần Jangga trong lúc tuột dốc (thực sự chi tiết này đã khiến mình wow).


Nhưng thật tiếc rằng hầu hết các twist trong phim lại không được ổn như vậy, mà chủ yếu để câu kéo khán giả xem tiếp những tập sau (watchbait?), từ đó khiến phim trở nên nông cạn và phi lý. Điển hình nhất là ví dụ về một bà già chuyên đi cho vay nặng lãi lại là một đại gia với căn biệt thự khổng lồ ở Jeju. Hoàn toàn không có một thiết lập nào từ trước khiến nó trở nên cực kỳ thiếu thuyết phục và làm mình mệt mỏi.


Ngược lại, phim cũng có những tình tiết được thiết lập nhưng chẳng phục vụ mục đích gì. Nhân vật da màu Kim Toni lại là một trong số đó, khi anh này dường như chỉ được thêm vào để đa dạng sắc tộc trong phim.

Thích thì thêm plot twist vào? Tưởng thế là hay.

3. NHÂN VẬT KHÁC (NGOÀI PARK SAEROYI)


Nhân vật khác (ngoài Park Saeroyi) mà mình thích nhất, đặc biệt là sau tập 15, là Oh Soo Ah. Không chỉ vì chị Kwon Nara quá xinh mà còn vì sự phát triển của nhân vật này. Jo Yi Seo và Jang Geun Soo cũng có sự phát triển khá ổn, còn các nhân vật khác mình không mấy ấn tượng lắm. Hãy thử phân tích từng nhân vật một nhé.


  • Oh Soo Ah: là một secondary character điển hình, có tính cách đối lập với main character để củng cố niềm tin, tính cách hoặc thái độ của người đó. Trong khi Park là một người kiên định, luôn hướng đến mục tiêu xa vời và hành xử vì con người, Soo Ah lại là người hành xử vì bản thân và những mục tiêu ngắn hạn hơn. Việc Soo Ah nhận tiền của Jangga và vào Jangga làm việc lại (về mặt hình ảnh) càng khẳng định sự đối lập giữa cô và Park. Dĩ nhiên, vì Park là nhân vật chính nên chúng ta tạm coi tư tưởng của anh ta là chuẩn mực. Sự đối lập giữa Park và Soo Ah do đó thể hiện qua việc sau nhiều lần bị gây khó dễ bởi Jangga (đại diện cho phía Soo Ah), Park vẫn đều đưa DanBam và sau đó là IC vượt qua khó khăn. Và đến tập 15, Soo Ah đã đánh dấu sự lột xác về tư tưởng khi lần đầu tiên đứng lên nói chính kiến của mình với Jang Dae Hae, xin nghỉ việc và tiết lộ việc mình đã thu thập những việc làm bất chính của Jangga trong suốt 10 năm. Nhân vật này vẫn còn tiềm năng để khai thác trong tập 16 nhưng mình tin rằng biên kịch sẽ cho cô kết thúc arc của mình tại đây. Tập cuối sẽ là sân khấu của Park và Yi Seo.

  • Jo Yi Seo: cũng là một nhân vật được xây dựng với tính cách khác biệt so với Park (nhưng không hoàn toàn đối lập như Soo Ah), Yi Seo cũng phần nào phản ánh được nhân vật chính, chủ yếu là qua cách đối xử với con người. Thời điểm ban đầu Yi Seo được giới thiệu như là người bị mắc hội chứng chống đối xã hội, tuy nhiên sự phát triển của Yi Seo có phần kém thuyết phục hơn khi chỉ vài tập sau cô bỗng dưng đối xử tốt với mọi người ở DanBam một cách lạ kỳ. Dẫu sao cô cũng có được sự phát triển của riêng mình khi dần quan tâm đến mọi người hơn và cũng có diễn biến của riêng mình ở subplot.

  • Jang Dae Hae: Cho đến tập 15 thì nhân vật này vẫn chưa có sự phát triển nào, luôn mưu mô và đầy thủ đoạn, ví dụ điển hình của một static character. Điều này cũng giải thích vì sao có nhiều đánh giá Itaewon Class là bộ phim “đầu voi đuôi chuột”. Hai nhân vật static character, một là main hero và một là main villain thì chỉ có thể câu kéo khán giả bằng thật nhiều (failed) twist.

  • Jang Geun Soo: Nhân vật này cần chờ đến tập 16 để mình có thể kết luận vì đã có một bước ngoặt xảy ra với anh ta ở tập 15. Cho đến hiện tại, việc Geun Soo chuyển từ phe thiện sang phe ác thực sự không đóng góp gì vào A story, chỉ khiến cho bộ phim thêm phi lý khi tính cách của anh ta xoay chuyển hoàn toàn 180 độ.

  • Jang Geun Won: Cũng là một nhân vật phải chờ đến tập 16 để kết luận. Còn về bản chất, anh ta vẫn vừa ngu và vừa xấu tính từ tập 1 đến tập 15, không có gì thay đổi. Bước ngoặt của cuộc đời Geun Won thực chất đã xảy ra ở những tập trước khi bị phản bội bởi người cha của mình, và mình đã chờ đợi sự thay đổi nhiều hơn ở nhân vật này sau khi ra tù.


4. QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN


Ở những dòng trên mình chủ yếu sử dụng logic để nhận xét về phim, còn về mặt cảm xúc cá nhân mà nói thì bộ phim khiến mình khá thất vọng vì quay lại motif yêu đương quen thuộc, với hầu hết các cliche mà chúng ta thường thấy trong phim Hàn như: bị xe đâm, làm việc mù quáng vì tình yêu mà không suy nghĩ, sức mạnh niềm tin, chủ tịch trưởng phòng các thứ, những tình huống ngẫu nhiên xảy ra với tần suất dày đặc, overdramtic,...


Đáng lẽ ra nếu bộ phim tập trung vào cuộc cạnh tranh trên thương trường giữa DanBam và Jangga từ đầu đến cuối và dành ít thời gian cho subplot thì nó đã đứng ở vị trí khác biệt trong danh sách những phim Hàn mà mình biết.


Ngoài ra cách phát triển chemistry giữa Park Saeroyi và Jo Yi Seo mình thấy không ổn chút nào. Phân cảnh mang tính bước ngoặt của mối tình này là khi Choi Seung Kwon đọc concept cho chương trình ưu đãi của DanBam với một loạt các câu hỏi:

  • Bây giờ, người mà bạn cảm thấy biết ơn nhất là ai?

  • Bây giờ, người mà bạn cảm có lỗi nhất là ai?

  • Bây giờ, khoảnh khắc mà bạn cảm thấy sợ hãi nhất là khi nào?

  • Điều may mắn nhất trong cuộc đời bạn là gì?

thì Park nghĩ ngay đến Yi Seo ở các trường hợp trên. Bản thân mình thì thấy nó khá là khiên cưỡng và không phải là các yếu tố cấu thành nên tình cảm của một người dành cho người khác. Đối chiếu với bản thân mình, crush của mình không nằm ở đâu trong 4 câu hỏi trên cả.


KẾT


Mình viết bài này phần là vì bức xúc với tập 15 vừa ra mắt, phần là để củng cố kiến thức Biên kịch học lỏm trên mạng thời gian qua, vậy nên nếu phản đối xin đừng nói lời cay đắng. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều series phim Hàn mạnh dạn thoát ra khỏi motif hơn.


Nguồn tham khảo:

  • Khái niệm A, B, C story: https://www.tv-calling.com/what-are-a-b-and-c-stories-in-screenwriting-tv-writing-101/

  • Metaphor (ẩn dụ) và symbol (biểu tượng) trong làm phim: https://www.peachpit.com/articles/article.aspx?p=174318&seqNum=3

  • Khái niệm “want” và “need”: https://www.youtube.com/watch?v=Zci-54NbeMo

  • Khái niệm “static character” và “dynamic character”: https://www.youtube.com/watch?v=azUsjQwF_UI

  • Khái niệm “plot twist”: https://www.youtube.com/watch?v=CuorsbghT5M

21 views0 comments

Comments


©2022 by Dinh Tuan Anh

bottom of page