top of page

23 câu hỏi phát triển ý tưởng kịch bản

Writer's picture: Đinh Tuấn AnhĐinh Tuấn Anh

Để viết được bài blog này, em xin phép "ăn cắp" kiến thức học được từ thầy Vũ Ánh Dương, một nhà phê bình/đạo diễn/biên kịch mà em rất ngưỡng mộ.


Mọi câu chuyện hay đều bắt nguồn từ một ý tưởng gốc nào đó. Tuy nhiên, ở giai đoạn hình thành, ý tưởng gốc của bạn rất mơ hồ và không gợi lên được quá nhiều hình dung cho bạn về câu chuyện hoàn chỉnh.


Ví dụ:

  • Phim The Prestige (2006): Hai nhà ảo thuật ở London thời Victoria nảy sinh một sự đối đầu gay gắt, họ cố gắng nghĩ ra trò ảo thuật vĩ đại nhất để đánh bại người còn lại.

  • Phim Jumanji: Welcome to the Jungle (2017): Năm người bạn bị cuốn vào thế giới của một trò chơi điện tử và phải tìm cách để sinh tồn trong thế giới đầy nguy hiểm đó.

  • Phim Split (2016): Một gã đàn ông với 24 nhân cách tồn tại trong mình đã bắt cóc ba cô gái vị thành niên.

Ý tưởng ban đầu của câu chuyện được gọi bằng thuật ngữ mang tên Story concept (khái niệm truyện). Story concept luôn có 3 phần mà bạn phải trả lời được:

  1. Nhân vật chính là ai?

  2. Hành động xuyên suốt của anh ta trong câu chuyện là gì? (Hành động mà anh ta làm để đạt được mục tiêu của mình)

  3. Kết quả của hành động đó: thành công, thất bại hay thay đổi

Ví dụ: Một cô gái láu cá thành công trong việc đánh lừa một kẻ lừa đảo đang tìm cách moi tiền của mình.

  1. Nhân vật chính trong câu chuyện này là một cô gái láu cá;

  2. Hành động xuyên suốt của cô ta trong câu chuyện là cô ta phải tìm cách đánh lừa một kẻ lừa đảo đang tìm cách moi tiền cô;

  3. Kết quả là cô gái đã thành công.

Sau khi đã tìm ra được story concept, để có thể phát triển ý tưởng của mình, bạn có thể sử dụng 23 câu hỏi dưới đây để biến ý tưởng ban đầu thành một hình hài rõ ràng hơn.


1. MÓC DẪN


Câu chuyện mà bạn đang hình dung trong đầu có thể được mô tả bằng một hình ảnh nào? Hay nó gợi sự liên tưởng đến một bộ phim nào mà bạn đã từng xem? Có một frame hình nào trong một bộ phim nào đó có thể diễn tả tone và mood cho bộ phim của bạn được không?


2. ĐIỀU TỒI TỆ NHẤT


Điều gì là tồi tệ nhất có thể xảy đến với nhân vật chính ngoài cái chết trong suốt câu chuyện?


3. BIẾN CỐ KHỞI ĐẦU


Đâu là thứ có thể sẽ xảy ra khiến nhân vật chính phải bước vào cuộc hành trình của mình? Hay rộng hơn, đâu là thứ có thể xảy ra khiến nhân vật chính không còn được sống trong thế giới ban đầu của anh ta nữa?


4. BÍ MẬT


Bí mật là chìa khóa thành công của một câu chuyện hay. Các nhà biên kịch đều giấu đi một thông tin gì đó từ ban đầu và chỉ tiết lộ ra ở cuối phim. Nhưng bí mật lại là động lực cho nhân vật chính thực hiện hành động, hoặc là thứ cản trở anh ta đến với mục tiêu. Nếu nhân vật của bạn chưa có bí mật, hãy nghĩ ra cho anh ta một bí mật.


5. NHÂN VẬT TƯƠNG PHẢN


Hãy nghĩ về một người có những tính cách hoàn toàn trái ngược với tính cách cốt lõi của nhân vật chính (tính cách cốt lõi là thứ đẩy nhân vật chính vào những rắc rối mà buộc nhân vật chính phải hành động). Ví dụ, nếu nhân vật chính của bạn là một người đạo mạo, nhân vật tương phản của anh ta có thể là một người dặt dẹo.


Những nhân vật có tính cách tương phản với nhân vật chính có khả năng sẽ là những người đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện của bạn. Đó có thể là đồng minh, cũng có thể là phản diện trên hành trình chinh phục khát khao của anh ta.


6. MÔI TRƯỜNG TƯƠNG PHẢN


Môi trường tương phản là nơi mà nhân vật chính không thể bộc lộ hoặc phát triển những phẩm chất cốt lõi của anh ta. Ví dụ, nếu nhân vật chính của bạn là một người đạo mạo, môi trường tương phản của anh ta có thể là khu ổ chuột.


Việc liệt kê ra một số môi trường tương phản với nhân vật chính sẽ giúp bạn hình dung về những bối cảnh mà anh ta có thể bị đặt vào trong câu chuyện.


7. MIX Ý TƯỞNG THỨ 2


Ngoài ý tưởng/story concept bạn đang phát triển, có một ý tưởng nào khác mà bạn đã từng bỏ đi hoặc nghĩ rằng không còn giá trị sử dụng không? Bạn có thể tìm cách trộn lẫn nó vào ý tưởng hiện tại, dù nghe có vẻ điên rồ hay không?


8. THAY ĐỔI HÌNH MẪU


Ý tưởng của bạn có giống với một ý tưởng nào khác đã tồn tại hay không? Nếu có, bạn có thể thay đổi một yếu tố nào của ý tưởng cũ để biến nó thành một yếu tố cốt lõi trong câu chuyện của bạn hay không? Ví dụ, nếu ý tưởng của bạn giống một bộ phim chính kịch tâm lý đã từng được ra mắt, bạn có thể làm một bộ phim với cốt truyện tương tự nhưng là phim hài không?


9. THAY ĐỔI GIỚI TÍNH


Giới tính của nhân vật chính là gì? Liệu nếu bạn đảo ngược giới tính của người đó thì bạn có thể kể câu chuyện theo cách cũ được nữa không?


10. THAY ĐỔI THỜI ĐẠI


Nhân vật của bạn đang sống trong thời đại nào? Nếu câu chuyện kể về thời hiện tại, liệu bạn có thể kể câu chuyện ở thời cổ đại, hay biến nó thành một câu chuyện viễn tưởng trong tương lai được không?


11. EVENT


Liệu có một sự kiện đông người nào mà nhân vật chính có thể tham gia trong câu chuyện được không? Không nhất thiết phải là một buổi meeting với hàng ngàn người, một bữa ăn gia đình đơn giản cũng có thể là một sự kiện mà bạn có thể nghĩ tới. Hãy nghĩ về những sự kiện có thể xảy ra trong câu chuyện, nó sẽ là sự phản ánh cho cách mà nhân vật chính tương tác với những người xung quanh và thế giới bên ngoài nội tâm của anh ta.


12. CẢM XÚC TIÊU CỰC


Bạn có thể gây ra một cảm xúc tiêu cực nào cho khán giả trong quá trình theo dõi câu chuyện của bạn được không? Nỗi tuyệt vọng, sự đau khổ, cảm giác tràn ngập của sự cô đơn,... Liệu những cảm xúc nào bạn có thể đem vào câu chuyện của mình?


13. DỰ ĐOÁN ĐẢO NGƯỢC


Câu chuyện của bạn sẽ đem lại kỳ vọng gì cho khán giả? Và sẽ ra sao nếu bạn đi ngược lại hoàn toàn kỳ vọng đó? Hãy phá bỏ những cliché thông thường và tự nhào nặn cho mình một câu chuyện thật nguyên bản thông qua phương pháp này.


14. TIỀN TRUYỆN (BACKSTORY)


Đâu là thứ có thể xảy ra trước thời điểm câu chuyện của bạn bắt đầu?


15. HẬU CẢNH


Là những thứ đóng vai trò làm nền nhưng có vai trò nhất định trong việc thúc đẩy câu chuyện diễn ra. Đó có thể là thiết chế, thể chế chính trị, điều kiện xã hội hoặc những quy luật mà tự bạn đặt ra cho thế giới của mình. Ví dụ, bạn có thể kể một câu chuyện nơi mà những đứa trẻ không được phép sinh ra một cách tự nhiên mà phải thông qua sự kiểm soát của chính phủ.


16. ĐỊA NGỤC


Đâu có thể là nơi tận cùng nỗi đau, nơi xảy ra những trở ngại khủng khiếp nhất thách thức khát vọng và sự chịu đựng của nhân vật chính?


17. VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG


Đâu là yếu tố mà bạn có thể đưa vào để khán giả mường tượng được về bối cảnh và thời đại diễn ra câu chuyện? Và chúng có thể đóng góp gì cho sự phát triển của câu chuyện hay không?


18. TAGLINE


Tagline là một đoạn ngắn (khoảng 2-4 câu) mô tả câu chuyện này và nó được viết theo một cách vô cùng hấp dẫn để thuyết phục khán giả phải mua vé đến xem phim của bạn.


Ví dụ, tagline của phim Thưa mẹ con đi (2019): Ở Mỹ, anh say đắm bên bạn trai. Về nhà, anh là đứa con trai ngoan ngoãn. Nhưng trọn chữ hiếu, vẹn chữ tình đâu dễ dàng.


19. PHẨM HẠNH


Hãy liệt kê những phẩm hạnh quan trọng của nhân vật chính. Lưu ý rằng phẩm hạnh không phải là tính cách. Phẩm hạnh là thứ thuộc về cốt lõi con người, nó là nền móng để hình thành nên một con người, như là rộng lượng, trung thành, can đảm. Còn tính cách là thứ thể hiện ra bên ngoài, như trầm tư, ít nói, hào sảng.


20. PHONG CÁCH


Đâu là phong cách làm phim mà bạn muốn sử dụng cho câu chuyện của mình? Có một bộ phim nào trước đây là hình mẫu cho bạn hay không?


21. CÁ NHÂN


Bạn có thể cho nhân vật một thứ gì đó từ đời sống cá nhân của bạn hay không, từ ngoại hình, tính cách cho đến những mối quan hệ và những trải nghiệm thực tế của bạn?


22. CÂU HỎI TRUNG TÂM


Đâu là câu hỏi mà bạn đặt ra cho khán giả để họ đi tìm câu trả lời trong suốt diễn biến câu chuyện?


23. VIẾT THƯ


Hãy đóng vai một nhân vật trong kịch bản và viết thư cho một nhân vật không xuất hiện trong câu chuyện để kể lại câu chuyện trong kịch bản. Đây là một trải nghiệm cực kỳ đáng giá để bạn hiểu rõ hơn góc nhìn của các nhân vật phụ, từ đó xây dựng kết cấu câu chuyện một cách chặt chẽ hơn.

Trả lời được 23 câu hỏi này không đồng nghĩa với việc bạn sẽ chắc chắn hoàn thiện được ý tưởng của mình, nhưng nó là một gợi ý rất giá trị và có thể biến một ý tưởng đơn giản thành một câu chuyện hay đáng theo dõi.

46 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


©2022 by Dinh Tuan Anh

bottom of page