top of page

[The Anatomy of Story] Chương 2: Premise - Tiền đề (Part 2)

  • Writer: Đinh Tuấn Anh
    Đinh Tuấn Anh
  • Aug 6, 2021
  • 16 min read

Updated: Mar 19, 2022

CHƯƠNG 2

PREMISE - TIỀN ĐỀ

Bước 5: Xác định được nhân vật tốt nhất có thể lấy ra từ ý tưởng


Một khi bạn đã hoàn thành xong nguyên lý thiết kế của câu chuyện, giờ là lúc để bạn tập trung vào nhân vật chính.


KEY POINT: Luôn kể chuyện về nhân vật tốt nhất của bạn.

"Tốt nhất" không có nghĩa là "tốt tính nhất", mà là "hấp dẫn nhất", "kích thích khán giả nhất" và "phức tạp nhất", kẻ cả khi không ai ưa nổi tính cách của nhân vật đó. Lý do bạn cần phải kể câu chuyện về nhân vật tốt nhất vì đó chắc chắn là thứ đem lại hứng thú cho bạn trong quá trình viết và cũng gây ấn tượng cho khán giả trong quá trình theo dõi câu chuyện. Bạn hẳn sẽ rất muốn tạo ra một nhân vật giúp bạn dễ dàng phát triển cốt truyện của mình.


Vậy làm cách nào để bạn biết được đâu là nhân vật tốt nhất mà bạn có thể lấy ra được từ ý tưởng ban đầu của câu chuyện? Hãy tự đặt một câu hỏi cho bản thân: "Ai là người mà mình yêu thích?", rồi đặt thêm một vài câu hỏi nữa: "Mình có muốn thấy anh ta xuất hiện trong câu chuyện không?", "Mình có thích cách suy nghĩ của anh ta không?", "Mình có dành sự quan tâm cho những thách thức mà anh ta phải vượt qua không?"


Nếu bạn không thể tìm được một nhân vật bạn yêu thích từ ý tưởng này, hãy bỏ qua và tìm kiếm một ý tưởng khác. Hoặc nếu bạn tìm được, nhưng anh ta lại không phải là nhân vật chính trong ý tưởng đó, hãy viết lại câu chuyện để anh ta là nhân vật trung tâm.


Còn nếu bạn đang phát triển một ý tưởng mà có vẻ như sẽ có nhiều nhân vật chính thì với mỗi nhân vật chính bạn lại có được một storyline, điều bạn phải làm là chọn ra nhân vật tốt nhất cho mỗi storyline đó.


Bước 6: Xác định xung đột, mâu thuẫn trọng tâm (central conflict)


Một khi đã nắm được danh tính của người sẽ đảm nhiệm vai trò dẫn dắt câu truyện, bạn cần tìm ra thứ mà tôi coi là quan trọng nhất trong mỗi một câu chuyện - xung đột/mâu thuẫn trọng tâm. Để xác định được mâu thuẫn trọng tâm, bạn hãy tự hỏi mình câu hỏi: "Ai đấu tranh với ai để giành lấy điều gì?", sau đó trả lời bằng một câu ngắn gọn.


Câu trả lời đó chính là thứ mà câu chuyện của bạn đang thực sự kể, bởi tất cả những mâu thuẫn trong một câu chuyện đều xuất phát từ đây mà ra. Trong hai chương tiếp theo của cuốn sách, tôi sẽ đề cập chi tiết hơn về vấn đề này theo những cách phức tạp hơn. Nhưng trước hết bạn vẫn cần một câu mô tả xung đột ngắn gọn, cùng với nguyên lý thiết kế ở bước 4, để giữ đôi chân bạn luôn đi đúng hướng trên hành trình viết ra câu chuyện.


Bước 7: Xác định mối quan hệ nhân quả duy nhất


Mọi câu chuyện hay và nguyên bản đều có một mối quan hệ nhân quả đơn nhất nào đó: A dẫn đến B, B dẫn đến C, cứ như vậy cho đến tận Z. Nó được coi như là xương sống của câu chuyện. Giống như một cơ thể, nếu như không có xương sống, hoặc có quá nhiều xương sống, câu chuyện của bạn cũng sẽ đổ bể (tôi sẽ đề cập tới việc một câu chuyện có nhiều nhân vật chính ở cuối chương này).


Giả sử bạn có một tiền đề thế này: Một anh chàng đem lòng yêu một cô gái, anh ta đang đấu tranh với anh trai mình để giành quyền điều hành một nhà máy rượu vang.


Bạn thấy rằng đây là một tiền đề với 2 mệnh đề tách bạch, và có hai hướng quan hệ nhân quả (cause-and-effect trajectory) hoàn toàn khác nhau.


Một trong những lợi thế rất lớn của bước phát triển tiền đề này là việc xác định các vấn đề và tìm kiếm những giải pháp sẽ dễ dàng cho bạn hơn nhiều khi mà bạn chỉ mới viết ra một dòng tiền đề. Khi mà bạn đã bắt tay vào viết câu chuyện hoàn chỉnh rồi, các vấn đề đã được đóng khung cố định và bạn rất khó để gỡ được chúng ra. Còn khi câu chuyện vẫn đang chỉ được cô đọng trên một dòng, bạn có thể dễ dàng đưa ra những thay đổi và biến một tiền đề tách phần thành tiền đề một phần, như thế này:


Nhờ sức mạnh tình yêu với cô bạn gái tuyệt vời, một chàng trai đã cố gắng đánh bại anh trai mình để giành quyền điều hành nhà máy rượu vang.


Mẹo để bạn tìm ra mối quan hệ nhân quả duy nhất là tự hỏi bản thân: "Hành động cơ bản của nhân vật chính là gì?" Như đã biết, nhân vật chính của bạn sẽ thực hiện nhiều hành động trong câu chuyện, nhưng hẳn là phải có một hành động là quan trọng nhất, thứ hợp nhất lại tất cả những hành động khác mà nhân vật này đã thực hiện. Hành động đó chính là mối quan hệ nhân quả duy nhất mà bạn cần tìm kiếm.


Để lấy ví dụ, tôi sẽ dùng lại tiền đề sau của phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao):


Khi một nàng công chúa rơi vào tình cảnh nguy hiểm, một chàng trai trẻ sử dụng các kỹ năng chiến đấu để cứu cô và đánh bại thế lực hắc ám của một đế chế trong dải ngân hà.


Vì bị buộc phải tóm tắt Star Wars trong một dòng, chúng ta tự nhận ra một hành động là sự hợp nhất của vô số các hành động khác trong phim, đó là "sử dụng các kỹ năng chiến đấu".


Hay xem xét trường hợp của The Godfather (Bố già), một tiểu thuyết hoành tráng và cũng là một bộ phim hoành tráng:


Đứa con út trong một gia đình Mafia quyết định trả thù người đàn ông đã bắn chết bố mình và trở thành Bố già mới.


Trong tất cả những hành động mà Michael đã thực hiện trong câu chuyện đó, hành động tổng hòa tất cả những hành động khác đó là việc trả thù.


KEY POINT: Nếu bạn đang phát triển một tiền đề với nhiều nhân vật chính, mỗi storyline cần có một quan hệ nhân quả duy nhất. Và tất cả các mối quan hệ nhân quả đó cần hợp lại để tạo nên một xương sống lớn bao trùm lên tất cả mọi thứ.

Ví dụ, trong The Canterbury Tales (Chuyện kể ở Canterbury), mỗi người lữ khách kể một câu chuyện riêng với mỗi xương sống riêng. Những tất cả những câu chuyện đó đều là một phần của một tập thể lớn - một thể giới thu nhỏ của xã hội Anh thời bấy giờ - những người đang du hành đến Canterbury.


Bước 8: Xác định sự thay đổi có thể xảy ra bên trong nhân vật


Sau nguyên lý thiết kế, thứ quan trọng nhất mà bạn rút ra được từ tiền đề là sự thay đổi cơ bản của nhân vật chính. Đây là điều sẽ đem lại cho khán giả sự thỏa mãn sâu sắc nhất không quan trọng là câu chuyện được kể dưới hình thức nào, kể cả khi sự thay đổi của nhân vật là tiêu cực (như trong The Godfather) đi nữa.


Sự thay đổi diễn ra sau khi nhân vật chính vượt qua được những khó khăn. Nói đơn giản, sự thay đổi đó có thể được thể hiện bằng một phương trình ba phần - three-part equation (xin đừng nhầm lẫn với cấu trúc ba hồi - three-act structure):


W × A = C


Wweakness - điểm yếu của nhân vật cả về mặt tâm lý và đạo đức, A đại diện cho những khó khăn để hoàn thiện action - hành động ở giữa câu chuyện, và Cchanged person - một con người đã trải qua sự thay đổi.


Trong phần lớn các câu chuyện, một nhân vật với khuyết điểm nào đó vật lộn để đạt được điều gì đó và cuối cùng họ thay đổi (cả tích cực và tiêu cực) như một hệ quả. Logic cơ bản của câu chuyện là: Bằng cách nào mà việc nhân vật gặp khó khăn khi làm gì đó (A) dẫn dắt nhân vật thay đổi từ W đến C? Bạn hãy nhớ rằng hành động (A) đóng vai trò làm đòn bẩy. Một nhân vật với những điểm yếu nhất định, khi được đặt vào hoàn cảnh phải trải qua những khó khăn sẽ được rèn dũa và tôi luyện thành một người khác đi.


KEY POINT: Hành động cơ bản phải là hành động phù hợp nhất để thúc đẩy nhân vật đối mặt với khuyết điểm yếu của anh ta, để rồi cuối cùng dẫn đến sự thay đổi bản thân.

Đây là hình khối mà ta bắt gặp trong bất kỳ câu chuyện nào, bởi đó là chuỗi hành động tự nhiên trong quá trình trưởng thành của một người bình thường. Sự trưởng thành của con người, dù khó nhìn ra, nhưng rất thật, nó là lý do vì sao bạn phải thể hiện được điều đó rõ ràng hơn tất thảy thứ gì khác (hoặc nếu không có sự thay đổi thì phải trả lời được câu hỏi vì sao lại không thay đổi).


Chìa khóa để làm được việc này là bắt đầu với những hành động cơ bản và rồi tìm ra những thứ đối lập với hành động đó. Chúng sẽ nói cho bạn biết nhân vật chính của bạn là ai ở đầu câu chuyện (điểm yếu) và ở cuối câu chuyện (thay đổi). Các bước sẽ như thế này:

  1. Viết ra một dòng tiền đề đơn giản (hãy thoải mái sửa đổi tiền đề này một khi bạn tìm ra được sự thay đổi nhân vật);

  2. Xác định hành động cơ bản của nhân vật chính xuyên suốt câu chuyện;

  3. Xác định những hành động đối lập với A (hành động cơ bản) để tìm ra cả W (điểm yếu tâm lý và đạo đức của nhân vật chính) và C (con người đã thay đổi).

Việc xác định những hành động đối lập của hành động cơ bản là vô cùng cần thiết bởi đó là cách duy nhất để sự thay đổi diễn ra. Nếu những điểm yếu của nhân vật chính tương đồng với hành động cơ bản mà anh ta làm trong suốt câu chuyện, anh ta sẽ chỉ đơn giản là lún sâu hơn vào điểm yếu của mình, và anh ta vẫn sẽ là chính anh ta, không có gì thay đổi cả.


KEY POINT: Hãy viết ra nhiều lựa chọn nhất có thể cho điểm yếu và cách nhân vật chính thay đổi.

Cũng giống như việc có nhiều hướng khác nhau để phát triển tiền đề, điểm yếu của nhân vật và cách nhân vật thay đổi không chỉ dừng lại ở một lựa chọn duy nhất.


Ví dụ, trong một câu chuyện nào đó, giả sử hành động cơ bản của nhân vật chính là "trở thành một kẻ sống ngoài vòng pháp luật". Bắt đầu với hành động này, bạn có thể sẽ tìm ra những sự đối lập sau, điểm yếu và sự thay đổi sau đây:

  • Một gã đàn ông lầm lì và sợ vợ dính dáng với một băng đảng ngoài vòng pháp luật, và rồi cuối cùng ly dị vợ. W - lầm lì và sợ vợ A - dính dáng với một băng đảng ngoài vòng pháp luật C - ly dị vợ

  • Một giám đốc ngân hàng kiêu ngạo và lầm lì dính dáng với một băng đảng ngoài vòng pháp luật và rồi đi giúp đỡ những người nghèo khổ. W - kiêu ngạo và lầm lì A - dính dáng với một băng đảng ngoài vòng pháp luật C - giúp đỡ những người nghèo khổ

  • Một chàng trai rụt rè dính dáng với một băng đảng ngoài vòng pháp luật và cuối cùng chìm trong đê mê của danh vọng. W - rụt rè A - dính dáng với một băng đảng ngoài vòng pháp luật C - chìm trong đê mê của danh vọng

Bất cứ kịch bản nào trên đây cũng đều khả thi để bạn có thể lấy ra từ tiền đề ngắn gọn ban đầu về một chàng trai trở thành một kẻ ngoài vòng pháp luật.


Hãy cùng áp dụng kỹ thuật này với một vài câu chuyện quen thuộc mà chúng ta đã từng nghe.


STAR WARS

(CHIẾN TRANH GIỮA CÁC VÌ SAO)

Tiền đề: Khi một nàng công chúa rơi vào tình cảnh nguy hiểm, một chàng trai trẻ sử dụng các kỹ năng chiến đấu để cứu cô và đánh bại thế lực hắc ám của một đế chế trong dải ngân hà.

W - ngây thơ, hấp tấp, thiếu tập trung, thiếu tự tin

A - sử dụng kỹ năng chiến đấu

C - một người với đầy đủ sự tự trọng, một chiến binh chiến đấu vì cái thiện


Những điểm yếu ban đầu của Luke Skywalker hiển nhiên không phải là những tố chất cần có của một chiến binh. Nhưng khi bị buộc phải liên tục sử dụng các kỹ năng chiến đấu, anh ta dần mạnh mẽ hơn và trở thành một chiến binh tự tin.


THE GODFATHER

(BỐ GIÀ)

Tiền đề: Đứa con út trong một gia đình Mafia quyết định trả thù người đàn ông đã bắn chết bố mình và trở thành Bố già mới.

W - vô tâm, sợ sệt, tầm thường, phục tùng pháp luật, sống xa cách gia đình

A - trả thù

C - kẻ thống trị độc đoán và tàn bạo của gia đình Mafia


The Godfather là ví dụ hoàn hảo giải thích vì sao bạn cần phải xác định sự đối lập của hành động cơ bản để xác định những điểm yếu và sự thay đổi cho nhân vật. Nếu như Michael ở thời điểm bắt đầu câu chuyện là một người đầy lòng hận thù, thì việc trả thù người đàn ông đã bắn chết cha anh ta chỉ giữ nguyên bản chất đó của anh ta mà thôi. Sẽ không có sự thay đổi nhân vật nào ở đây cả. Nhưng sẽ ra sao nếu anh ta bắt đầu là một người hoàn toàn đối lập với "đầy lòng hận thù"? Một kẻ vô tâm, sợ sệt, tầm thường, chịu phục tùng pháp luật và không có sự liên quan đến gia đình Mafia của anh ta, sau đó phải đi trả thù cho cha và trở thành một kẻ thống trị độc đoán và tàn bạo của gia đình mình. Không phải bàn cãi, đây là một sự thay đổi triệt để, và cũng rất hợp lý.


Một điều bạn cần lưu ý là khi sử dụng kỹ thuật ở bước này, kết quả bạn nhận được chỉ là những sự thay đổi nhân vật khả dĩ cho câu chuyện của mình. Những công việc bạn làm ở giai đoạn tiền đề, đặc biệt là liên quan đến sự thay đổi của nhân vật, thường không chắc chắn và mơ hồ. Vậy nên trong quá trình viết, khi có những sự thay đổi nhân vật khác khả dĩ hơn, bạn cũng đừng ngần ngại đón nhận chúng.


Bước 9: Tìm ra sự lựa chọn về đạo đức (moral choice) khả dĩ cho nhân vật chính


Chủ đề chính của câu chuyện thường được kết tinh bởi sự lựa chọn về đạo đức mà nhân vật chính phải thực hiện, thường là gần cuối câu chuyện. Chủ đề là góc nhìn chủ quan của bạn về cách mà mọi thứ vận hành trong thế giới câu chuyện. Đó cũng là tầm nhìn về mặt đạo đức, và đó là lý do chính mà bạn viết ra câu chuyện của mình.


Chủ đề được bộc lộ rõ nhất thông qua cấu trúc của câu chuyện, thông qua cái mà tôi gọi là tuyên ngôn đạo đức (moral argument). Đây là nơi mà bạn đưa ra quan điểm về cách sống, không phải thông qua những tranh cãi mang tính triết lý, mà là thông qua những hành động mà các nhân vật của bạn làm để theo đuổi mục tiêu. Rất có thể bước quan trọng nhất trong tuyên ngôn đạo đức của bạn là sự lựa chọn đạo đức cuối cùng mà bạn trao cho nhân vật chính.


Nhiều nhà văn phạm phải sai lầm khi trao cho nhân vật chính của họ sự lựa chọn nhưng thực tế lại chẳng phải lựa chọn gì cả. Đó là khi phải chọn giữa một cái tích cực và một cái tiêu cực. Ví dụ như bắt nhân vật phải lựa chọn giữa đi tù và chiếm được trái tim của một cô gái thì hiển nhiên ai cũng biết là sẽ chọn gì.


KEY POINT: Một sự lựa chọn đúng là khi nhân vật chính của bạn phải chọn một trong hai kết quả tích cực, hoặc trong một số ít trường hợp, là tránh một trong hai kết quả tiêu cực.

Bạn hãy làm cho hai lựa chọn phải thật cân bằng, cái này chỉ có lợi hơn cái kia rất ít. Một ví dụ kinh điển về sự lựa chọn đạo đức là phải chọn giữa tình yêu và danh dự. Trong A Farewell to Arms (Giã từ vũ khí), nhân vật chính đã chọn tình yêu. Nhưng trong The Maltese Falcon (Chim ưng Malta) và hầu hết các câu chuyện trinh thám, nhân vật chính lựa chọn danh dự.


Một lần nữa, tôi lưu ý bạn rằng kỹ thuật ở bước này là tìm ra những lựa chọn đạo đức khả dĩ, bởi vì nó có thể thay đổi hoàn toàn trong quá trình bạn viết ra câu chuyện hoàn chỉnh. Kỹ thuật này buộc bạn phải tư duy một cách thực tế về chủ đề của bạn ngay từ khi bạn nhen nhóm ý tưởng.


Bước 10: Đo lường mức độ hấp dẫn với khán giả


Một khi bạn đã hoàn thành công việc ở bước tiền đề, hãy tự hỏi bản thân mình câu hỏi cuối cùng: "Liệu cốt truyện này đã đủ để hấp dẫn nhiều người khác ngoài tôi?"


Đây là câu hỏi về tính đại chúng, về sự thu hút thương mại. Bạn phải đưa ra một câu trả lời khách quan và chân thực. Nếu bạn nhìn vào một tiền đề và nhận ra rằng chỉ một vài người thực sự muốn lắng nghe câu chuyện của bạn, bao gồm bạn và những người thân thiết, tôi cảnh báo bạn không nên sử dụng tiền đề đó làm cơ sở cho toàn bộ câu chuyện hoàn chỉnh.


Bạn luôn phải viết cho chính mình đầu tiên, viết về thứ mà bạn quan tâm. Nhưng bạn không nên chỉ viết cho mỗi bản thân. Một trong những sai lầm lớn nhất mà một nhà văn mắc phải là cái bẫy của tư duy một-trong-hai: Hoặc là tôi viết cho bản thân, hoặc là tôi viết thứ bán được. Đây là một sự phân biệt sai lầm xuất phát từ những quan điểm cũ kỹ về việc viết lách.


Đôi khi có những ý tưởng khiến bạn phải cầm bút lên mà viết. Hoặc xuất hiện những ý tưởng hay trong đầu bạn nhưng bạn không biết liệu khán giả có thích nó hay không. Nhưng hãy nhớ, bạn sẽ nảy ra vô vàn ý tưởng trong cuộc đời mà có thể phát triển thành một câu chuyện đầy đủ. Hãy luôn viết về điều mà bạn quan tâm và bạn cũng nghĩ rằng sẽ đem lại sức hút với khán giả. Việc viết dĩ nhiên là có nhiều ý nghĩa cá nhân với bạn, nhưng viết cho khán giả sẽ giúp bạn dễ dàng hơn nhiều trong việc làm điều mình yêu thích.

 

TỔNG KẾT

SÁNG TẠO TIỀN ĐỀ - BÀI TẬP VIẾT SỐ 1


  • Tiền đề: Viết ra tiền đề của bạn trong một câu. Tự hỏi bản thân liệu dòng tiền đề này có tạo nên câu chuyện sẽ thay đổi cuộc đời bạn hay không.

  • Wish list và Premise list: Viết ra wish list và premise list của riêng bạn. Nghiên cứu hai danh sách này cùng lúc để xác định các thành tố cốt lõi định hình nên điều mà bạn quan tâm và thích thú.

  • Các khả năng: Tìm kiếm những hướng có thể phát triển từ tiền đề. Viết ra các khả năng có thể xảy ra.

  • Thách thức và vấn đề của câu chuyện: Mô tả càng nhiều thách thức và vấn đề của riêng ý tưởng này càng tốt.

  • Nguyên lý thiết kế: Viết ra nguyên lý thiết kế từ ý tưởng của bạn. Hãy nhớ rằng nguyên lý thiết kế là thứ giúp bạn nhìn sâu hơn vào câu chuyện, giúp câu chuyện của bạn diễn ra theo một cách độc đáo, riêng biệt.

  • Nhân vật tốt nhất: Xác định nhân vật tốt nhất có được từ ý tưởng và biến người đó thành nhân vật chính trong tiền đề.

  • Mâu thuẫn: Tự hỏi bản thân: "Nhân vật chính của tôi đang chiến đấu với ai và vì điều gì?"

  • Hành động cơ bản: Tìm ra mối quan hệ nhân quả bằng cách xác định hành động cơ bản mà nhân vật của bạn sẽ thực hiện trong suốt toàn bộ câu chuyện.

  • Sự thay đổi nhân vật: Tìm ra sự thay đổi nhân vật khả dĩ cho nhân vật chính, bắt đầu với hành động cơ bản (A), rồi tìm ra những hành động đối lập với nó để xác định những điểm yếu (W) ở đầu câu chuyện và sự thay đổi (C) ở cuối câu chuyện.

  • Sự lựa chọn đạo đức: Kể ra một sự lựa chọn đạo đức mà nhân vật chính của bạn phải thực hiện ở gần cuối câu chuyện. Hãy đảm bảo sự lựa chọn ấy phải khó khăn và hợp lý.

  • Sự hấp dẫn khán giả: Tự hỏi bản thân liệu tiền đề của bạn có hấp dẫn một số lượng lớn khán giả hay không. Nếu không, hãy bắt đầu lại từ đầu.

Tôi sẽ lấy phim Tootsie làm ví dụ về cách mà bạn sẽ làm việc ở bước Tiền đề này.

TOOTSIE

(kịch bản phim được viết bởi Larry Gelbart và Murray Schisgal, 1982)

  • Tiền đề: Một nam diễn viên gặp khó khăn khi tìm việc, và anh ta phải cải trang thành phụ nữ để giành lấy một vai trong một chương trình TV, để rồi đem lòng yêu một người phụ nữ khác trong dàn cast.

  • Các khả năng: Bạn có thể tiếp cận câu chuyện này theo cách hài hước, nhưng cũng có thể mổ xẻ những vấn đề đạo đức sâu sắc phía sau cách mà những người đàn ông và phụ nữ đối xử với nhau trong giai đoạn gần gũi với nhau nhất cuộc đời họ.

  • Thách thức của câu chuyện: Làm thế nào để khán giả cảm được những hành động vô đạo đức mà một số gã đàn ông làm với phụ nữ mà không gây ra cảm giác là câu chuyện đang tấn công cả một nhóm giới tính, và vẫn thể hiện rằng nhóm giới tính còn lại là nạn nhân trong câu chuyện này?

  • Vấn đề của câu chuyện: Làm sao để lý do một người đàn ông cải trang thành phụ nữ phải thật thuyết phục? Làm sao để đan xen nhiều tuyến truyện tình cảm nam-nữ vào với nhau thành một cốt truyện tổng thể thành công? Làm sao để câu chuyện dù là hài kịch nhưng vẫn sở hữu một câu chuyện tình yêu đầy cảm xúc?

  • Nguyên lý thiết kế: Buộc một kẻ theo chủ nghĩa sô-vanh sống cuộc đời của một người phụ nữ.

  • Nhân vật tốt nhất: Việc nhân vật chính Michael phải sống cuộc đời của hai người - một đàn ông và một phụ nữ - có thể là một sự thể hiện vừa hài hước lại vừa lột trần được sự mâu thuẫn cực đại bên trong chính nhân vật.

  • Mâu thuẫn: Michael đương đầu với Julie, Ron, Les và Sandy về tư tưởng tình yêu và sự chân thành.

  • Hành động cơ bản: Nhân vật nam chính cải trang thành một người phụ nữ

  • Sự thay đổi nhân vật: W - Michael là một kẻ ngạo mạn, dối trá và lăng nhăng C - Bằng việc giả dạng làm phụ nữ, Michael học được cách trở thành một người đàn ông tốt hơn và có thể tìm kiếm cho mình một tình yêu đích thực

  • Sự lựa chọn đạo đức: Michael phải từ bỏ công việc diễn xuất thu nhập cao và xin lỗi Julie vì đã nói dối cô.

 

Đọc thêm:

留言


©2022 by Dinh Tuan Anh

bottom of page