CHƯƠNG 2
PREMISE - TIỀN ĐỀ
Michael Crichton⁽¹⁾ không có cho mình những nhân vật có chiều sâu như của Chekhov⁽²⁾, cũng không có những cốt truyện đỉnh cao như của Dickens⁽³⁾. Ông ấy chỉ đơn giản là chuyên gia số 1 về tiền đề ở Hollywood. Lấy Jurassic Park làm ví dụ. Câu chuyện của Crichton xuất phát từ câu hỏi: "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hai "võ sĩ" có tầm vóc lớn nhất trong lịch sử tiến hóa - khủng long và con người - bị buộc phải chiến đấu trong một trận chiến sinh tử trên võ đài?" Nghe thấy thôi mà tôi đã muốn đến rạp để tận mắt chứng kiến bộ phim này rồi.
Có rất nhiều cách để bắt đầu quá trình viết. Một số tác giả sẽ bắt đầu ngay với "bảy bước quan trọng nhất" (bước số 2 trong quy trình mà John Truby đã đề cập ở chương 1). Điều này thì chúng ta sẽ tìm hiểu ở chương sau. Nhưng hầu hết các tác giả sẽ bắt đầu với premise line (câu tiền đề), thứ có thể nói lên nội dung của cả tác phẩm ở dạng ngắn gọn nhất.
(1) Michael Crichton: Nhà văn, nhà biên kịch người Mỹ, sinh năm 1942, người đứng sau tác phẩm nổi tiếng Jurassic Park (1990)
(2) Anton Pavlovich Chekhov: Nhà viết kịch và nhà văn người Nga, sinh năm 1942
(3) Charles Dickens: Nhà văn, nhà phê bình xã hội người Anh, sinh năm 1812

TIỀN ĐỀ (PREMISE) LÀ GÌ?
Tiền đề là một câu tóm tắt toàn bộ câu chuyện của bạn. Nó là sự bao trùm đơn giản nhất lên nhân vật và cốt truyện, và thường hàm chứa trong đó một vài sự kiện chính khơi mào, một vài cảm nhận ban đầu của khán giả về nhân vật chính và một vài dấu hiệu về phần kết.
Để tôi cho bạn ví dụ về tiền đề của một số tác phẩm điện ảnh:
The Godfather (Bố Già): Đứa con út trong một gia đình Mafia quyết định trả thù kẻ đã bắn chết bố mình và trở thành Bố già mới.
Moonstruck (Ánh trăng): Trong khi hôn phu của mình về thăm mẹ ở Italy, một người phụ nữ đã lỡ đem lòng yêu người em trai.
Casablanca: Một người Mỹ lưu vong gặp lại người tình cũ chỉ để tha thứ cho cô ấy, từ đó anh ta có thể toàn tâm chiến đấu với Đức quốc xã.
A Streetcar Named Desire (Chuyến tàu mang tên dục vọng): Một người phụ nữ tìm cách khiến một người đàn ông phải lòng và cầu hôn mình trong khi phải chịu đựng sự bạo hành liên tục từ người chồng vũ phu của cô em gái.
Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao): Khi một nàng công chúa rơi vào tình cảnh nguy hiểm, một chàng trai trẻ vận dụng các kỹ năng chiến đấu để cứu cô và đánh bại thế lực hắc ám của một đế chế trong dải ngân hà.
Có vô vàn lý do vì sao một tiền đề tốt lại là yếu tố mang tính then chốt cho thành công của một tác phẩm. Điều đầu tiên, kinh đô điện ảnh Hollywood đã bước vào thời đại kim tiền, các hãng phim mở rộng kinh doanh ra toàn thế giới, với phần lớn lợi nhuận đến từ 3 ngày mở màn cuối tuần. Các nhà sản xuất phim cần tìm kiếm những tiền đề mang tính "high concept" - có nghĩa là bộ phim đó có thể được tóm gọn trong một dòng mô tả hấp dẫn mà khán giả có thể hiểu nó ngay và khiến họ phải lập tức đổ xô tới rạp.
Thứ hai, tiền đề là cảm hứng dành cho bản thân bạn. Một khoảnh khắc "lóe sáng" trong đầu khiến bạn phải thốt lên "Đây rồi! Với thứ này câu chuyện của mình sẽ hay phát điên!", sự phấn khích đó sẽ giúp bạn bền bỉ vượt qua những ngày tháng viết lách ròng rã.
Điều này dẫn đến một điểm quan trọng khác: dù hay hay dở, tiền đề cũng là nhà tù giam cầm bạn. Ngay khi bạn quyết định theo đuổi một ý tưởng, hàng ngàn những ý tưởng tiềm năng khác sẽ không còn được động tới nữa. Vậy thì tốt hơn hết là bạn phải hạnh phúc với những gì mà bạn lựa chọn.
KEY POINT: Thứ mà bạn lựa chọn để viết quan trọng hơn rất nhiều bất cứ quyết định nào khác mà bạn đưa ra trong quá trình viết.
Lý do cuối cùng, đó là bởi tất cả những quyết định sau này của bạn trong quá trình viết đều sẽ dựa trên một quyết định duy nhất - quyết định lựa chọn tiền đề. Nhân vật, cốt truyện, chủ đề, biểu tượng,... tất cả đều đến từ ý tưởng ban đầu của câu chuyện. Nếu bạn thất bại ngay từ bước chọn tiền đề thì chẳng có gì sau này có thể cứu vãn được nữa. Giống như việc nếu một nền móng của tòa nhà bị rạn nứt, bao nhiêu sự đầu tư vào những tầng phía trên cũng không giúp bạn tránh khỏi sự sụp đổ của tòa nhà, dù bạn có phải chuyên gia thiết kế nhân vật, bậc thầy cốt truyện, thiên tài hội thoại đi nữa.

KEY POINT: Cứ 10 tác giả thì 9 người thất bại từ bước chọn tiền đề
Lý do chính cho việc nhiều tác giả thất bại ở bước này là vì họ không biết cách phát triển ý tưởng, hay cách đào sâu kho báu bị chôn sâu bên trong ý tưởng đó. Họ không nhận ra rằng giá trị vĩ đại của tiền đề là nó cho phép bạn khám phá câu chuyện một cách tổng thể cùng những hình thái mà nó có thể trở thành, trước khi bạn thực sự bắt tay vào việc viết.
Tiền đề là một ví dụ điển hình của câu thành ngữ "a little knowledge is a dangerous thing" (ý nói có kiến thức ít ỏi những lại nghĩ mình là chuyên gia thì sẽ dẫn đến kết cục thảm hại). Rất nhiều nhà biên kịch hiểu tầm quan trọng của một tiền đề "high concept" đối với Hollywood. Nhưng điều họ không hiểu là cần những gì để viết một câu chuyện sao cho thật tự nhiên.
Họ cũng không hiểu những điểm yếu cố hữu có thể được tìm thấy trong bất cứ tiền đề "high concept" nào: rằng tiền đề chỉ giúp cho bạn hình dung được hai hoặc ba cảnh phim trong đầu. Đây là những cảnh ngay trước hoặc ngay sau cái twist - thứ mà giúp tiền đề của bạn nghe có vẻ độc đáo trong mắt nhà đầu tư. Trung bình phim điện ảnh có từ 40 đến 70 cảnh. Một tiểu thuyết có gấp 2 đến 3 lần số đó. Chỉ khi bạn học được đầy đủ các kỹ năng kể chuyện, bạn mới vượt qua được những giới hạn của "high concept" và kể thành công toàn bộ câu chuyện.
Kỹ thuật đầu tiên để chạm đến kho báu trong mỗi ý tưởng là kỹ thuật sử dụng thời gian hiệu quả. Hãy dành thật nhiều thời gian của bạn vào giai đoạn đầu của quá trình viết. Không phải vài giờ hay vài ngày, mà là hàng tuần. Đừng phạm phải mấy sai lầm xoàng xĩnh để cố có được một tiền đề thật hấp dẫn rồi ngay lập tức ngồi vào bàn viết. Bạn sẽ viết được cùng lắm là 20-30 trang rồi dần dần đi vào ngõ cụt không thể thoát ra được nữa.
Giai đoạn viết tiền đề cũng là lúc bạn hình dung được chiến lược chung cho câu chuyện - thấy được bức tranh lớn, tìm ra hình thù tổng thể và hướng phát triển. Bởi vì bạn bắt đầu công việc với con số 0, nên giai đoạn tiền đề cũng là lúc mông lung nhất trong toàn bộ quá trình viết. Bạn dò dẫm, cảm nhận trong bóng tối, tìm ra những hướng đi, xác định cái gì hiệu quả, cái gì không, cái gì có thể hình thành nên một tổng thể tự nhiên và cái gì không khả thi để triển khai tiếp.
Vậy nên bạn cần phải giữ vững sự linh hoạt, mở lòng với tất cả các khả năng. Và cũng bởi vậy nên lúc này, việc sử dụng những phương pháp sáng tạo tự nhiên như một kim chỉ nam là vô cùng quan trọng.

PHÁT TRIỂN TIỀN ĐỀ CỦA BẠN
Hãy sử dụng những bước dưới đây trong lúc bạn vẫn đang tìm kiếm một tiền đề cho riêng mình, chúng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.
Bước 1: Viết thứ gì đó mà có thể thay đổi cuộc đời bạn
Có thể đây là một yêu cầu cao, nhưng chắc chắn là lời khuyên quý giá nhất mà bạn từng nhận trong sự nghiệp viết lách của mình. Tôi chưa từng thấy một nhà biên kịch nào thất bại khi làm việc này. Vì sao? Bởi vì nếu câu chuyện đó quan trọng với bạn, nó có thể cũng quan trọng với rất nhiều khán giả khác. Đừng quá quan tâm kết cục gì sẽ xảy đến, một khi bạn viết xong câu chuyện đó, bạn vừa mới thay đổi chính cuộc đời mình.
Có thể bạn sẽ thắc mắc là: "Tôi cũng muốn viết một câu chuyện sẽ thay đổi cuộc đời tôi lắm, nhưng làm sao mà tôi biết nó sẽ thay đổi cuộc đời tôi nếu tôi chưa viết ra?" Đơn giản thôi: hãy tự đào sâu và khám phá chính bản thân mình, việc mà rất nhiều các nhà biên kịch khác không bao giờ làm. Phần lớn các nhà biên kịch đều hài lòng với việc viết ra một tiền đề mà thực chất là một bản sao không rõ ràng của một bộ phim, cuốn sách hay vở kịch khác họ đã xem. Những tiền đề họ viết ra có thể hấp dẫn về mặt thương mại, nhưng hoàn toàn không mang dấu ấn cá nhân của tác giả đó. Và rồi câu chuyện đó sẽ không thể đứng tách biệt, nổi trội hơn so với phần còn lại, cuối cùng chắc chắn sẽ thất bại.
Để khám phá chính mình, để có một cơ may viết ra thứ gì đó thay đổi cuộc đời mình, bạn phải có những dữ liệu để trả lời cho câu hỏi bạn là ai. Rồi bạn lấy dữ liệu ấy ra từ sâu trong cơ thể mình, đặt nó ngay trước mặt mình để bạn có thể quan sát từ xa và nghiên cứu.
Có hai bài tập giúp bạn làm được điều này. Đầu tiên, hãy ngồi và viết ra wish list (danh sách mong muốn) của mình, một danh sách của tất cả những thứ mà bạn muốn được thấy trên màn ảnh, trong một cuốn sách, hay trong sân khấu kịch. Đó là những thứ mà bạn cực kỳ đam mê, và là những thứ có thể giúp bạn vui vẻ. Trong wish list đó, bạn có thể viết ra những nhân vật mà bạn tưởng tượng, những plot twist thú vị, hay những câu thoại tuyệt vời nảy ra trong đầu mình. Bạn cũng có thể viết ra những chủ đề mà bạn quan tâm hay những thể loại nhất định trước giờ luôn đem lại hứng thú cho bạn.
Hãy viết ra càng nhiều càng tốt. Đây là wish list của riêng cá nhân bạn, đừng gạch bỏ điều gì cả. Hãy chặn ngay những suy nghĩ kiểu như "Thế thì làm phim sẽ tốn nhiều tiền lắm". Và đừng cố sắp xếp các ý tưởng theo thứ tự nào cả, cứ để chúng nảy ra một cách tự nhiên.
Bài tập thứ hai là viết ra một premise list (danh sách tiền đề). Đây là danh sách của tất cả các tiền đề mà bạn đã từng nghĩ tới. 5, 20, 50 hay nhiều hơn số đó cũng được. Một lần nữa, tôi muốn nói là bạn hãy viết nhiều nhất có thể. Yêu cầu chính của bài tập này là bạn phải thể hiện được các tiền đề trong một câu. Điều này ép bạn phải diễn đạt cực kỳ rõ ràng về các ý tưởng của mình, và nó cho phép bạn gom lại tất cả các tiền đề ở cùng một chỗ.
Khi bạn đã hoàn thành cả wish list và premise list của mình, hãy bày chúng ra trước mắt và nghiên cứu. Hãy tìm những yếu tố trọng tâm lặp lại nhiều lần trong cả hai danh sách này. Bạn có thể nhận ra một số nhân vật và kiểu nhân vật nhất định hay một vài thể loại câu chuyện sẽ tái xuất hiện, hoặc một giọng nói đặc trưng len lỏi qua những dòng hội thoại, hoặc có thể là một chủ đề, một vấn đề xã hội hay một khoảng thời gian nào đó cứ thỉnh thoảng lại hiện ra.
Quá trình bạn nghiên cứu như vậy sẽ làm nổi bật lên hình mẫu của bạn về những thứ mà bạn thích thú. Dưới hình hài thô sơ nhất, đây chính là tầm nhìn của bạn. Nó cho bạn biết bạn là ai (cả với tư cách một nhà biên kịch và một con người bình thường) trên những trang giấy trước mặt. Và bạn sẽ thường xuyên cần dùng lại chúng.
Hãy nhớ rằng hai bài tập trên được thiết kế để mở cánh cửa thế giới nội tâm và chạm tới những gì đã nằm trong sâu thẳm con người bạn. Nó không đảm bảo rằng bạn sẽ viết được câu chuyện làm thay đổi cuộc đời. Không gì có thể đảm bảo. Nhưng nếu bạn đã hoàn thành việc khám phá bản thân, những tiền đề sau này xuất hiện trong đầu bạn sẽ mang đậm dấu ấn cá nhân hơn và nguyên bản hơn rất nhiều.

Bước 2: Khám phá tất cả các khả năng
Một trong những lý do lớn nhất mà một tác giả thất bại ở ngay bước tạo tiền đề là họ không biết cách nhận ra tiềm năng thật sự trong câu chuyện của họ. Để làm được điều này, cần cả kinh nghiệm lẫn kỹ năng. Cái bạn cần tìm ở đây là hướng đi của câu chuyện, và làm sao để câu chuyện đó phát triển một cách rực rỡ. Trong vô vàn các khả năng phát triển một ý tưởng, đừng bao giờ chỉ nhảy theo một khả năng ngay lập tức, cho dù trông nó có vẻ vô cùng hứa hẹn.
KEY POINT: Đừng ngần ngại thử các lựa chọn mới. Hãy nghĩ về những hướng đi khác nhau mà một ý tưởng có thể phát triển rồi lựa chọn phương án tốt nhất.
Để khai phá được hết những khả năng, cần phải xem liệu ý tưởng đó có hứa hẹn gì không. Một số ý tưởng tạo ra được những kỳ vọng nhất định, đó là thứ cần phải có để thỏa mãn khán giả một khi ý tưởng được dựng lên thành câu chuyện hoàn chỉnh. Những sự hứa hẹn này có thể giúp bạn lựa chọn hướng tốt nhất để phát triển ý tưởng ban dầud.
Một kỹ thuật khác có thể hữu ích cho bạn đó là tự đặt câu hỏi cho bản thân: "Điều gì sẽ xảy ra nếu...?" (What if...?). Câu hỏi "what if" giúp bạn xác định cái gì được phép và không được phép trong thế giới của câu chuyện. Bạn càng đặt câu hỏi "What if...?" càng nhiều, bạn càng hiểu rõ hơn bối cảnh hiện tại, thêm thắt được vào trong câu chuyện nhiều chi tiết và khiến nó thuyết phục hơn với khán giả.
Điểm quan trọng ở đây là để cho tâm trí của bạn được tự do bay bổng. Đừng đặt ra giới hạn hay tự phán xét bản thân. Đừng tự nói với bản thân mình rằng một ý tưởng nào đó là ngu ngốc. Chính những ý tưởng "ngu ngốc" như thế mới thường tạo nên những đột phá sáng tạo.
Để bạn hiểu quy trình này rõ hơn, hãy nhìn vào một số câu chuyện đã được viết dưới đây và thử đoán xem tác giả có thể đã nghĩ gì trong đầu khi họ khai thác tiềm năng trong ý tưởng tiền đề của mình.
WITNESS
(NHÂN CHỨNG)
(kịch bản phim được viết bởi Earl W. Wallace, William Kelley, 1985)
Một cậu bé vô tình chứng kiến tội ác là kiểu thiết lập thường thấy trong một phim giật gân. Nó hứa hẹn sẽ đem lại những cảnh phim nguy hiểm, hồi hộp, hành động ly kỳ và đầy bạo lực. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đẩy câu chuyện đi xa một chút? Trấn áp bằng vũ lực để thực thi pháp luật mang trong mình hai thái cực đối lập: bạo lực (phương tiện của cảnh sát) và sự bình yên (mục tiêu của cảnh sát). Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đem vào câu chuyện hai thái cực này bằng cách để cho cậu bé đi từ vùng Amish⁽⁴⁾ đến một thành phố tràn đầy bạo lực? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn khiến một người cảnh sát đến vùng Amish và đem lòng yêu một ai đó? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đem bạo lực đến chính giữa một vùng đất yên bình?
(4): Tộc người Amish, sinh sống yên bình rải rác trên nước Mỹ, được biết đến với lối sống đơn giản, trang phục giản dị, và vẫn duy trì chế độ tự cung tự cấp, ít phụ thuộc vào công nghệ hiện đại.
TOOTSIE
(kịch bản phim được viết bởi Larry Gelbart và Murray Schisgal, 1982)
Khi nghe ý tưởng này lần đầu, khán giả sẽ dành cho nó một sự kỳ vọng nhất định, đó là cảm giác hào hứng khi được thấy một người đàn ông ăn vận như phụ nữ. Và bạn biết là họ sẽ muốn xem nhân vật này đối mặt với càng nhiều tình huống khó đỡ càng tốt. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn vượt ra khỏi những kỳ vọng quá hiển nhiên này? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tập trung câu chuyện vào kế hoạch giả gái của nhân vật chính để cho khán giả thấy góc nhìn từ nội tâm của những người đàn ông trong mối quan hệ tình cảm? Điều gì sẽ xảy ra nếu nhân vật chính là một người theo chủ nghĩa sô-vanh⁽⁵⁾ nhưng lại phải cải trang thành phụ nữ, điều mà anh ta cực kỳ căm ghét, nhưng lại buộc phải làm để vượt qua được hoàn cảnh éo le? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn biến câu chuyện thành một vở kịch hài hước, nơi mà rất nhiều người đàn ông và phụ nữ nảy sinh tình cảm và theo đuổi lẫn nhau cùng một lúc?
(5): Chủ nghĩa sô-vanh là niềm tin rằng dân tộc hay nhóm người của mình là vượt trội hay hoàn hảo hơn phần còn lại. Chủ nghĩa sô-vanh nam là niềm tin rằng đàn ông vượt trội hơn phụ nữ.
CHINATOWN
(KHU PHỐ TÀU)
(kịch bản phim được viết bởi Robert Towne, 1974)
Một người đàn ông điều tra một vụ án mạng ở Los Angeles vào năm 1930 hứa hẹn sẽ đem lại tất cả những gì hay ho nhất của một tác phẩm trinh thám - những nút thắt, những cái twist và những bất ngờ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như tội ác hé lộ cứ ngày càng lớn dần? Điều gì sẽ xảy ra nếu gã thám tử vốn chỉ bắt đầu điều tra những vụ nhỏ nhặt - những vụ ngoại tình - để rồi cuối cùng nhận ra cả thành phố này đã được xây dựng nên từ máu của các vụ ám sát? Với cách kể chuyện như vậy bạn sẽ có thể tiết lộ dần dần, những bí mật được vạch trần ngày càng lớn hơn cho đến khi khán giả nhận ra những sự thật sâu thẳm và đen tối nhất của nước Mỹ.

THE GODFATHER
(BỐ GIÀ)
(tác phẩm gốc của Mario Puzo, kịch bản phim được viết bởi Mario Puzo và Francis Ford Coppola, 1972)
Câu chuyện về một gia đình mafia hứa hẹn đem đến những kẻ giết người máu lạnh và những tội ác đầy bạo lực. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn xây dựng kẻ đứng đầu gia đình đó là một kẻ đầy quyền lực, ông trùm thế giới ngầm người mà có thể coi như ngang hàng với tổng thống của nước Mỹ? Bởi vì người đàn ông này là một vị vua thực sự, bạn có thể xây dựng nên những tấn bi kịch khủng khiếp, những thăng trầm kiểu Shakespeare về sự tàn lụi của một vị vua và rồi bị một kẻ khác giành ngôi. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn biến một câu chuyện hình sự tội phạm thông thường thành một câu chuyện thật sự hoành tráng và đen tối?
MURDER ON THE ORIENT EXPRESS
(ÁN MẠNG TRÊN TÀU TỐC HÀNH PHƯƠNG ĐÔNG)
(tác phẩm gốc của Agatha Christie, kịch bản phim được viết bởi Paul Dehn, 1974)
Một người đàn ông bị giết trên khoang tàu ngay bên cạnh khoang của một thám tử lừng danh hứa hẹn sẽ là một câu chuyện trinh thám hấp dẫn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn muốn truyền tải thông điệp về công lý hơn là mô tuýp bắt tội phạm thông thường? Điều gì sẽ xảy ra nếu kẻ bị giết xứng đáng bị giết bởi một "hội thẩm đoàn" gồm 12 người vừa đóng vai trò thẩm phán, vừa là những kẻ thực thi việc hành quyết?
BIG
(TRỞ THÀNH NGƯỜI LỚN)
(kịch bản phim được viết bởi Gary Ross và Anne Spielberg, 1988)
Một cậu bé đột nhiên tỉnh dậy và phát hiện ra cậu ta đã trở thành một người đàn ông nghe có vẻ là một câu chuyện vừa kỳ ảo vừa hài hước. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu câu chuyện kỳ ảo này không đặt vào một thế giới xa xôi hay kỳ dị nào đó, mà ngay trong một thế giới quen thuộc mà một đứa trẻ bình thường nhận ra ngay lập tức? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đẩy nhân vật chính vào thiên đường của các cậu bé - một công ty đồ chơi - và nẫng luôn một người phụ nữ xinh đẹp nóng bỏng làm bạn gái? Và điều gì sẽ xảy ra nếu câu chuyện không chỉ nói về việc một cậu bé phải thích nghi như thế nào trong một hình hài to lớn mà hơn hết thảy, muốn cho thấy sự hòa hợp giữa một người đàn ông và một cậu bé để có thể sống một cuộc đời người lớn hạnh phúc?

Bước 3: Xác định những thách thức và vấn đề của câu chuyện
Có những luật lệ trong việc xây dựng câu chuyện có thể được áp dụng với tất cả các câu chuyện. Nhưng mỗi câu chuyện lại có những bộ luật lệ riêng cũng như thách thức riêng. Đó là những vấn đề riêng tồn tại bên trong mỗi ý tưởng và bạn không thể tránh được, dù muốn hay không. Bạn phải đối mặt trực diện với những vấn đề này và giải quyết chúng. Hầu hết các nhà biên kịch chỉ giải quyết vấn đề khi họ đang bắt tay vào viết một câu chuyện hoàn chỉnh. Như vậy thì đã quá trễ.
Ở đây bạn cần học cách xác định những vấn đề cố hữu ngay ở giai đoạn tiền đề. Dĩ nhiên là ngay cả những nhà biên kịch giỏi nhất cũng không thể xác định được hết các vấn đề từ bước này. Nhưng một khi bạn đã làm chủ các kỹ năng then chốt về nhân vật, cốt truyện, chủ đề, thế giới câu chuyện, biểu tượng và hội thoại, bạn sẽ sốc nhẹ khi biết mình có thể khám phá các trở ngại của một ý tưởng tốt đến mức nào. Dưới đây tôi sẽ lấy ví dụ một số ý tưởng cùng những thách thức và vấn đề cố hữu của chúng.
STAR WARS
(CHIẾN TRANH GIỮA CÁC VÌ SAO)
(kịch bản phim được viết bởi George Lucas, 1977)
Trong bất cứ một phim bom tấn nào, nhất là phim lấy bối cảnh vũ trụ như Star Wars, bạn cần giới thiệu một lượng nhân vật khổng lồ và rồi phải giữ cho những nhân vật ấy luôn tương tác với nhau xuyên suốt các không gian và thời gian. Bạn phải đảm bảo câu chuyện này dù viễn tưởng nhưng không quá phi lý và khán giả đang sống ở hiện thực vẫn hiểu được các thiết lập câu chuyện. Bạn cũng phải tìm cách làm sao để tạo ra được sự phát triển nhân vật khi mà nhân vật chính vốn đã rất tốt đẹp ngay từ đầu phim rồi.
FORREST GUMP
(tác phẩm gốc bởi Winston Groom, kịch bản phim được viết bởi Eric Roth, 1994)
Làm thế nào để bạn cô đọng một sự kiện lịch sử kéo dài 40 năm vào một câu chuyện nguyên bản và mang đậm màu sắc cá nhân? Thách thức còn bao gồm việc tạo ra một nhân vật chính có khả năng dẫn dắt câu chuyện, một người có những tâm tư sâu sắc đáng tin cậy và trải qua sự thay đổi khi phải cân bằng giữa tính cách bất thường và tình cảm chân thành.

BELOVED
(NGƯỜI YÊU DẤU)
(kịch bản phim được viết bởi Toni Morrison, 1988)
Thách thức lớn nhất dành cho Toni Morrison là viết ra một câu chuyện về chế độ nô lệ mà trong đó, nhân vật chính lại không phải là một nạn nhân của chế độ đó. Một câu chuyện tham vọng như thế cần giải quyết vô số thứ: Giữ cho việc kể chuyện luôn thu hút khán giả dù phải nhảy qua lại giữa quá khứ và hiện tại, làm cho khán giả ngày nay đồng cảm được với những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ xa xôi, lay động được đến tâm trí những người đã từng sống qua chế độ nô lệ, và thể hiện rằng nó vẫn còn ảnh hưởng đến những người vô tội dù chế độ này đã kết thúc nhiều năm.
JAWS
(HÀM CÁ MẬP)
(tác phẩm gốc bởi Peter Benchley, kịch bản phim được viết bởi Peter Benchley và Carl Gottlieb, 1975)
Một câu chuyện kinh dị mang lại cảm giác có thật - trong đó một số nhân vật đấu lại với một trong những kẻ săn mồi hoang dã nguy hiểm nhất - hiển hiện nhiều vấn đề: làm sao để có một cuộc đối đầu cân sức khi kẻ phản diện sở hữu trí thông minh quá hạn chế, phải thiết lập được một bối cảnh mà con cá mập có thể thường xuyên tấn công con người, và phải tìm cách làm sao để kết thúc câu chuyện với cảnh nhân vật chính mặt đối mặt chiến đấu lại với cá mập.
ADVENTURES OF HUCKLEBERRY FINN
(NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU CỦA HUCKLEBERRY FINN)
(tiểu thuyết của Mark Twain, 1885)
Thách thức trong tác phẩm này của Mark Twain là rất lớn: Làm sao để bạn thể hiện được giá trị đạo đức - hay đúng hơn là những mặt vô đạo đức - của cả một dân tộc trong một tiểu thuyết giả tưởng? Ý tưởng tuyệt diệu này vấp phải nhiều vấn đề cần giải quyết: làm thế nào để dẫn dắt câu chuyện hiệu quả bằng một nhân vật là một câu bé; làm sao để duy trì các động lực và những sự đối lập rõ rệt trong một câu chuyện có cấu trúc dàn trải và chia thành từng chương hồi; và làm sao để thuyết phục khán giả khi kể về một cậu bé với suy nghĩ đơn giản và không có nhiều điểm nổi bật đáng để chúng ta ngưỡng mộ cuối cùng lại học được những bài học đạo đức vĩ đại?
THE GREAT GATSBY
(ĐẠI GIA GATSBY)
(tiểu thuyết của F. Scott Fitzgerald, 1925)
Khó khăn của Fitzgerald là vẽ ra hình ảnh giấc mơ Mỹ bị tha hóa và biến tướng thành cuộc chiến của tiền bạc và danh vọng. Những vấn đề mà ông gặp phải hẳn sẽ làm nhiều người trong tình huống của ông phải nản lòng. Ông phải xây dựng nên một cốt truyện mà trong đó nhân vật chính đóng vai trò là kẻ cứu rỗi một người khác, ông cũng cần làm cho khán giả dành sự quan tâm đến những nhân vật vốn có tính cách nông cạn, và bằng cách nào đó ông phải biến một câu chuyện tình yêu nhỏ bé thành một ẩn dụ cho cả nước Mỹ vĩ đại.
DEATH OF A SALESMAN
(CÁI CHẾT NGƯỜI CHÀO HÀNG)
(vở kịch của Arthur Miller, 1949)
Thách thức lớn nhất dành cho Arthur Miller là phải biến cuộc sống của một người đàn ông bình thường trở thành một bi kịch khủng khiếp. Ông phải tìm cách đan xen các sự kiện ở quá khứ và hiện tại mà không gây khó hiểu cho khán giả, duy trì được mạch kể chuyện, và giữ lại được hy vọng sau cái kết đầy bạo lực và bi thảm.

Bước 4: Tìm kiếm Nguyên lý Thiết kế (Designing Principle)
Sau khi gạch ra được những vấn đề và những hứa hẹn mà ý tưởng của bạn sẽ mang lại, giờ là lúc bạn vạch ra chiến lực tổng thể về cách thức mà bạn sẽ kể câu chuyện của mình. Chiến lược tổng thể trong câu chuyện của bạn được phát biểu trong một dòng được gọi là "nguyên lý thiết kế" của câu chuyện đó.
KEY POINT: Nguyên lý thiết kế là thứ sẽ sắp xếp câu chuyện một cách tổng thể. Nó là logic nội tại của câu chuyện đóng vai trò như keo dính để ráp các phần lại với nhau một cách tự nhiên, từ đó câu chuyện trở thành một khối hoàn chỉnh hơn là những phần riêng lẻ. Đây chính là thứ giúp cho câu chuyện của bạn giữ được sự nguyên bản (original).
Nguyên lý thiết kế là yếu tố quan trọng nhất để khiến câu chuyện của bạn được nguyên bản và hiệu quả. Đôi khi nguyên lý này xuất hiện dưới hình hài một biểu tượng hay một ẩn dụ, nhưng thông thường thì nó rộng lớn hơn thế. Không dễ để bạn có thể nhìn ra được nguyên lý thiết kế trong các câu chuyện. Sự thật là hầu hết các câu chuyện tầm trung còn chẳng có thứ này. Đó là sự khác biệt giữa tiền đề (thứ mà mọi câu chuyện đều có) và nguyên lý thiết kế (thứ mà chỉ câu chuyện hay mới có). Tiền đề như một vật thể hữu hình, ta có thể chắc chắn là nó có tồn tại, trong khi nguyên lý thiết kế lại rất trừu tượng, nó là quá trình sâu sắc giúp phát triển với câu chuyện theo một cách nguyên bản.
Hãy tưởng tượng bạn là một nhà văn đang muốn viết về đường dây hoạt động ngầm của thế giới mafia tại Mỹ, như hàng ngàn các nhà biên kịch và tiểu thuyết gia khác đã làm. Nếu bạn là một người kể chuyện giỏi, rất có thể bạn sẽ đi đến được môt nguyên lý thiết kế như sau:
Sử dụng phương pháp kể chuyện cổ điển để kể về việc người con nhỏ tuổi nhất trong ba đứa con của gia đình mafia trở thành "vị vua" mới.
Điều quan trọng mà bạn cần nhớ: nguyên lý thiết kế là "ý tưởng mang tính tổng hợp", là "nguyên nhân định hình" cho câu chuyện. Nó là thứ khiến cho câu chuyện trở thành một thể thống nhất và trở nên khác biệt so với các câu chuyện khác.
KEY POINT: Hãy tìm cho câu chuyện một nguyên lý thiết kế và bám chặt theo nó. Bạn cần dành nhiều thời gian và nỗ lực để khám phá nguyên lý thiết kế này, cũng đừng loại nó ra khỏi tâm trí trong quá trình viết dài đằng đẵng.
Hãy cùng xem xét phim Tootsie để thấy sự khác nhau giữa tiền đề và nguyên lý thiết kế:
Tiền đề: Một nam diễn viên gặp khó khăn khi tìm việc, và anh ta phải cải trang thành phụ nữ để giành lấy một vai trong một chương trình TV, để rồi đem lòng yêu một người phụ nữ khác trong dàn cast.
Nguyên lý thiết kế: Buộc một kẻ theo chủ nghĩa sô-vanh sống cuộc đời của một người phụ nữ.

Vậy làm sao để bạn tìm được nguyên lý thiết kế từ trong tiền đề? Lúc này, đừng đi lại vết xe đổ của nhiều nhà biên kịch khác. Thay vì tìm ra được một nguyên lý thiết kế độc đáo, họ chọn cho câu chuyện của mình một genre (thể loại) rồi áp đặt nó lên tiền đề, họ buộc câu chuyện của mình phải trải qua những sự kiện điển hình của thể loại đó. Sản phẩm cuối cùng vì thế mà rập khuôn, chung chung và không mang tính nguyên bản.
Để tìm được nguyên lý thiết kế, bạn cần lấy nó ra từ trong chính cái tiền đề một dòng mà bạn đã nghĩ ra trước đó. Điều này không có nghĩa là với mỗi idea bạn chỉ có một nguyên lý thiết kế cố định. Có nhiều nguyên lý thiết kế hay cấu trúc câu chuyện khả dĩ mà bạn lượm lặt được từ tiền đề của mình. Mỗi cái lại đem đến cho bạn các khả năng phát triển câu chuyện khác nhau, và dĩ nhiên là cả những vấn đề nội tại khác nhau mà bạn cần giải quyết.
Một cách để tìm ra được nguyên lý thiết kế là sử dụng "hành trình" hay một ẩn dụ về sự dịch chuyển nào đó tương tự. Chuyến bè của Huck Finn cùng Jim xuống sông Mississippi (trong Adventures of Huckleberry Finn), chuyến đi bằng thuyền của Marlow trên con sông dẫn đến "giữa lòng tăm tối" (trong Heart of Darkness), hành trình băng qua Dublin của Leopold Bloom trong Ulysses, Alice rơi xuống hang thỏ và đặt chân đến thế giới Wonderland hỗn loạn (trong Alice in Wonderland) - mỗi câu chuyện này đều sử dụng ẩn dụ về sự dịch chuyển (traveling metaphor) để khai mở những lớp nghĩa sâu sắc hơn bên trong câu chuyện.
Bạn hãy để ý cách sử dụng cuộc hành trình trong Heart of Darkness đã đem lại một nguyên lý thiết kế cho cuốn tiểu thuyết giả tưởng rất đồ sộ và phức tạp này:
Chuyến đi của người kể chuyện khi đi ngược dòng sông và hướng tới rừng là một con đường dẫn đồng thời tới ba địa điểm khác nhau: (1) dẫn đến sự thật về một người đàn ông bí ẩn và có vẻ xấu xa; (2) đến sự thật về chính bản thân người kể chuyện; (3) và từ thế giới "văn minh" quay trở về giữa lòng tăm tối man rợ bên trong con người.
Đôi khi, một biểu tượng (symbol) có thể trở thành nguyên lý thiết kế, giống như chữ A màu đỏ trong tiểu thuyết The Scarlet Letter (Chữ A màu đỏ), hay hòn đảo trong vở kịch The Tempest (Giông tố), con cá voi trong tiểu thuyết Moby-Dick (Cá voi trắng), ngọn núi trong tiểu thuyết The Magic Mountain (Núi ma thuật). Hoặc bạn có thể liên kết hai biểu tượng lớn với nhau, như màu xanh của thiên nhiên và màu đen của sắt vụn trong How Green Was My Valley (Thung lũng của tôi xanh biết bao). Một số nguyên lý thiết kế khác lại hàm chứa trong nó đơn vị thời gian (ngày, đêm, bốn mùa), hay cách sử dụng nhân vật kể chuyện độc đáo, hoặc là một cách đặc biệt nào đó để vén màn câu chuyện.
Dưới đây là một số nguyên lý thiết kế trong một số cuốn sách, bộ phim và vở kịch, từ kinh thánh cho đến Harry Potter, và hãy cùng xem nguyên lý thiết kế khác tiền đề như thế nào nhé.
MOSES, IN THE BOOK OF EXODUS
(MOSES TRONG SÁCH XUẤT HÀNH)
Tiền đề: Một hoàng tử Ai Cập phát hiện mình thực chất là một người Hebrew (người Do Thái), anh ta đứng lên dẫn dắt dân tộc mình thoát khỏi ách nô lệ của Pharaoh.
Nguyên lý thiết kế: Một người đàn ông không biết mình là ai gặp nhiều khó khăn trong việc dẫn dắt dân tộc mình đi đến tự do và nhận về Đạo đức luật, thứ mà sẽ định nghĩa chính bản thân anh ta và dân tộc anh ta.
ULYSSES
Tiền đề: Câu chuyện theo chân một ngày trong đời của một người đàn ông bình thường ở Dublin (Ireland).
Nguyên lý thiết kế: Một câu chuyện odyssey thời hiện đại xảy ra trọn vẹn trong một ngày, nơi mà một thanh niên đang đi tìm bố mình và một người đàn ông khác đang tìm đứa con của mình.
LOẠT SÁCH HARRY POTTER
Tiền đề: Một cậu bé phát hiện mình có năng lực phép thuật và rồi đi học tại một trường học dành cho phù thủy.
Nguyên lý thiết kế: Một phù thủy trẻ học cách trưởng thành khi đi học tại một trường nội trú cho pháp sư trong suốt 7 năm học.

THE STING
(LỪA BỊP)
Tiền đề: Hai kẻ lừa đảo⁽⁶⁾ cố gắng lừa một người đàn ông giàu có, kẻ đã giết một người bạn của họ.
Nguyên lý thiết kế: Câu chuyện kể về một sự lừa bịp nằm dưới vỏ bọc của sự lừa bịp khác, và điều đó đánh lừa cả kẻ thù lẫn khán giả theo dõi.
(6): Nguyên gốc là con artist, là kẻ thực hiện hành vi lừa đảo bằng sự hoạt ngôn của mình
LONG DAY'S JOURNEY INTO NIGHT
(ĐÊM TỐI CUỐI CÙNG Ở ĐỊA CẦU)
Tiền đề: Một gia đình tìm cách sống chung với sự nghiện ngập của người mẹ.
Nguyên lý thiết kế: Khi trời dần chuyển từ ngày sang đêm cũng là lúc các thành viên trong một gia đình phải đối mặt với những tội lỗi và bóng ma từ quá khứ của họ.
MEET ME IN ST. LOIUS
(GẶP TÔI Ở ST. LOUIS)
Tiền đề: Một người phụ nữ trẻ đem lòng yêu chàng trai nhà kế bên.
Nguyên lý thiết kế: Sự phát triển của một gia đình trong suốt một năm được hiện lên qua các sự kiện xảy ra vào mỗi mùa trong năm.
COPENHAGEN
Tiền đề: Ba người kể lại ba phiên bản câu chuyện mâu thuẫn nhau về một cuộc họp, dẫn tới kết cục của chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Nguyên lý thiết kế: Sử dụng một lý thuyết vật lý mang tên nguyên lý bất định Heisenberg để khám phá đạo đức mơ hồ của người đã tìm ra lý thuyết đó.
A CHRISTMAS CAROL
(HỒN MA ĐÊM GIÁNG SINH)
Tiền đề: Ba hồn ma đến viếng thăm một người đàn ông lớn tuổi và keo kiệt, để rồi ông ta tìm lại được tinh thần Giáng sinh.
Nguyên lý thiết kế: Câu chuyện đi theo hành trình tái sinh của một người đàn ông bằng cách để cho ông ta nhìn lại quá khứ, hiện tại và tương lai trong cùng một đêm Giáng sinh.
IT'S A WONDERFUL LIFE
(CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP)
Tiền đề: Khi một người đàn ông nọ chuẩn bị tự kết liễu cuộc đời mình, một thiên thần xuất hiện và cho ông ta thấy thế giới sẽ ra sao nếu ông ta không được sinh ra.
Nguyên lý thiết kế: Cho khán giả thấy một cá nhân có thể có sức ảnh hưởng đến thế nào bằng cách vẽ ra kết cục của một thành phố hay thậm chí là cả một quốc gia nếu một người nào đó chưa bao giờ tồn tại.
CITIZEN KANE
(CÔNG DÂN KANE)
Tiền đề: Kể câu chuyện cuộc đời của một ông trùm báo chí giàu có.
Nguyên lý thiết kế: Sử dụng phương pháp nhiều người kể chuyện để kể cuộc đời của một người đàn ông mà có thể sẽ không được ai biết tới.

Bước 5: Xác định nhân vật tốt nhất lấy ra được từ ý tưởng
(to be continued)
My note:
Chương 2 này thật sự quá nhiều từ chuyên ngành cũng như các định nghĩa mà bản thân mình cũng không hiểu nổi dù đã đọc đi đọc lại nhiều lần, vậy nên đôi chỗ câu cú vẫn còn lủng củng, mong rằng các bạn đọc sẽ thông cảm.
تعليقات