top of page

[The Anatomy of Story] Chương 1: Không thời gian của câu chuyện

Writer's picture: Đinh Tuấn AnhĐinh Tuấn Anh

Updated: Mar 17, 2022

Đây là bản lược dịch nội dung của cuốn The Anatomy of Story: 22 Steps to Becoming a Master Storyteller (Mổ xẻ câu chuyện: 22 bước để trở thành bậc thầy kể chuyện) viết bởi nhà biên kịch người Mỹ John Truby, người đứng sau các tác phẩm như 21 Jump Street (1987), African Cats (2011) và Entrelobos (2010).


LỜI CẢM ƠN


Cuốn sách này sẽ không thể ra mắt nếu không có người đại diện của tôi, Noah Lukeman, và biên tập viên Denise Oswald (cùng các đồng nghiệp), những người đã giúp tôi cách xử lý các vấn đề trong việc xuất bản một cách trơn tru, thứ đã làm nên thương hiệu của Farrar, Straus and Giroux (một nhà xuất bản sách lớn tại Mỹ, đơn vị xuất bản cuốn sách này).


Nhiều người đã cho tôi những phản hồi hữu ích về cách viết và quy trình viết, trong số đó bao gồm Tim Truby, Patty Meyer, Bob Ellis, Alex KustanovichLeslie Lehr. Tôi xin cảm ơn các vị.


Cuốn sách này cũng nhận được sự giúp đỡ vô cùng lớn từ những học trò cũ của tôi, những người đã vô cùng tâm huyết trong quá trình viết bản thảo để tôi có thể đưa những lý thuyết của việc kể chuyện vào thực tế.


Tôi cũng đặc biệt cảm ơn Kaaren Kitchell, Anna Waterhouse, Dawna KemperCassandra Lane, ngoài thời gian viết của mình, họ đã dành thời gian để đưa cho tôi hàng trăm lời khuyên để cải thiện cuốn sách này. Một người viết sách luôn cần những độc giả tốt, và họ là những người tuyệt vời nhất.


Cuối cùng, tôi muốn cảm ơn các nhà biên kịch, các tiểu thuyết gia và các nhà soạn kịch đã viết ra những câu chuyện tuyệt vời, đem lại cho tôi cảm hứng để khám phá thế giới của các câu chuyện. Họ là những ngôi sao của cuốn sách này, họ là những con người kỳ diệu, và họ đã cho chúng ta những món quà vô giá.


CHƯƠNG 1

KHÔNG THỜI GIAN CỦA CÂU CHUYỆN


Ai ai trong số chúng ta cũng có thể kể chuyện. Và chúng ta làm việc đó hàng ngày. "Mày sẽ không tin chuyện gì đã xảy ra ở chỗ làm đâu", hay "Đoán xem tao vừa mới làm gì!", hay "Một gã đi vào trong quán bar...". Chúng ta thấy, nghe, đọc và kể hàng ngàn câu chuyện trong cuộc đời mình.

Vấn đề là làm sao để kể được một câu chuyện hay. Nếu bạn muốn trở thành một bậc thầy kể chuyện (master storyteller), thậm chí là được người khác trả tiền để viết truyện, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại rất lớn. Nguyên nhân là bởi cho người khác thấy được cách thức (how) và nguyên nhân cốt lõi (why) của cuộc đời một con người là một công việc đầy choáng ngợp. Bạn sẽ phải thấu hiểu rất sâu sắc và chính xác về những chủ đề phức tạp. Rồi sau đó bạn phải biến kiến thức của bạn thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Với hầu hết các nhà biên kịch, đó là thách thức lớn nhất.


Tôi muốn nói cụ thể hơn về những trở ngại của kỹ thuật kể chuyện bởi đó là thứ duy nhất mà một nhà biên kịch phải vượt qua.


Trở ngại đầu tiên là các thuật ngữ chung mà hầu hết các nhà biên kịch thường nghĩ tới kể chuyện. Những thuật ngữ như "rising action" (hành động tăng dần), "climax" (cao trào), "progressive complication (phát triển mâu thuẫn)", "denouement" (kết thúc), chúng có từ tận thời Aristotle, rất chung chung và mang tính lý thuyết, đến nỗi với tôi thì chúng chẳng có ý nghĩa gì cả. Thành thực mà nói, chúng không có giá trị thực tiễn nào cho những người kể chuyện. Tưởng tượng bạn đang viết một cảnh phim, khi nhân vật chính đang dùng ngón tay mình bám vào mỏm đá, chuẩn bị sắp rơi xuống vực chết. Liệu cảnh đó sẽ là phát triển mâu thuẫn, hành động tăng dần, đoạn kết hay cảnh mở đầu của câu chuyện? Nó có thể chẳng là cái nào, cũng có thể là tất cả những thứ tôi vừa kể ra. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những thuật ngữ này cũng không nói cho bạn biết cách viết cảnh đó hay cách viết toàn bộ một câu chuyện đâu.


Những thuật ngữ cổ điển đưa chúng ta đến một trở ngại còn lớn hơn trong kỹ thuật kể chuyện: ý niệm câu chuyện là gì và cách nó vận hành. Điều đầu tiên mà chắc hẳn một người đang học kể chuyện làm là đọc tác phẩm "Poetics" của Aristotle. Tôi vẫn luôn tin rằng Aristotle là triết gia vĩ đại nhất trong lịch sử. Nhưng tư duy kể chuyện của ông ấy chật hẹp một cách đáng ngạc nhiên, chỉ tập trung vào một số lượng giới hạn cốt truyện và thể loại. Nó mang nặng tính lý thuyết và quá khó để đưa vào thực tiễn, đó là lý do vì sao hầu hết các biên kịch cố gắng học cách áp dụng kỹ thuật từ Aristotle đều thất bại.


Nếu bạn là một nhà biên kịch, có thể bạn sẽ biết đến một khái niệm đơn giản hơn Aristotle, được gọi là "cấu trúc ba hồi". Đây cũng là một vấn đề, bởi dẫu cho cấu trúc ba hồi có dễ hiểu hơn Aristotle, lại quá đơn giản và trong nhiều trường hợp thậm chí còn sai bét.


Lý thuyết ba hồi nói rằng mọi kịch bản phim đều có ba hồi (act). Hồi đầu tiên là mở đầu, hồi hai là thân bài, hồi ba là kết thúc. Hồi đầu tiên dài khoảng 30 trang. Hồi ba cũng dài khoảng từng đó. Còn hồi hai kéo dài trong khoảng 60 trang. Ngoài ra thì có đâu đó khoảng 2 hoặc 3 "plot points" (hay cách gọi nào đó khác tương tự). Bạn hiểu không? Hiểu chứ gì. Rồi, giờ thì ngồi vào và viết một kịch bản chuyên nghiệp coi.


Tôi đang cố đơn giản hóa cái lý thuyết này, nhưng cũng không gọn hơn là mấy đâu. Rõ ràng rằng đó là một cách tiếp cận quá sơ đẳng, thậm chí còn có ít giá trị thực tiễn hơn cả Aristotle. Điều tệ hơn là nó ủng hộ cho việc tiếp cận câu chuyện một cách máy móc. Ý niệm về cái gọi là "act break" (nghỉ / chuyển tiếp giữa hai hồi) đến từ một số sân khấu kịch truyền thống, khi mà cứ hết mỗi hồi thì cái rèm sẽ được đóng lại. Chúng ta không làm thế trong phim ảnh, tiểu thuyết, truyện ngắn, hay thậm chí là các vở kịch đương đại.

Nói cho dễ hiểu, "act break" không nằm trong một câu chuyện. Cấu trúc ba hồi chỉ là một công cụ máy móc được chồng lên câu chuyện và chẳng có vai trò gì với logic cốt lõi và sự tiến triển của nó.


Một quan niệm máy móc về cốt truyện như lý thuyết ba hồi sẽ dẫn đến một kết cục khó tránh khỏi, đó là sự kể chuyện sẽ trở nên rời rạc. Các sự kiện trong câu chuyện đứng riêng rẽ, không có sự kết nối, và được xây dựng một cách cứng nhắc từ đầu đến cuối.


Trở ngại thứ hai trong việc làm chủ cách kể chuyện nằm trong quá trình bạn viết ra từng câu chữ. Giống như những quan điểm cứng nhắc về khái niệm câu chuyện (như lý thuyết ba hồi nói ở trên), thì các nhà biên kịch cũng sử dụng những quá trình cứng nhắc để viết nên một câu chuyện. Điều này đặc biệt đúng ở các nhà biên kịch có nhận thức sai lầm về những điều làm nên một kịch bản dễ chào bán, khiến họ viết ra những kịch bản hoặc là không hay hoặc là không được chấp nhận bởi khán giả. Các nhà biên kịch thường nảy ra một ý tưởng cốt truyện mà thực ra là một biến thể hơi khác của một bộ phim họ đã xem 6 tháng trước đó. Rồi họ gán cho nó một genre (thể loại), như "trinh thám", "lãng mạn", "hành động", rồi thêm vào các nhân vật và "plot beat" (các sự kiện trong truyện) mà đi theo cái form có sẵn đó. Kết quả là: Một kịch bản chung chung nhàm chán, một câu chuyện rập khuôn không có tính nguyên bản.


Trong cuốn sách này, tôi sẽ chỉ cho bạn một cách hiệu quả hơn để viết kịch bản. Mục tiêu của tôi là giải thích được cách một câu chuyện hay ho được tạo ra, cùng với các kỹ thuật cần thiết để tạo ra nó, và từ đó bạn sẽ viết được câu chuyện vĩ đại của riêng mình. Một số người sẽ phản đối rằng không có cách nào để dạy người khác cách kể một câu chuyện hay. Tôi thì tin rằng chẳng có vấn đề gì, nhưng tôi cần bạn nghĩ và nói về câu chuyện khác đi so với những gì bạn từng làm trước đây.


Bằng những thuật ngữ đơn giản nhất, tôi sẽ cho bạn thấy được một nghệ thuật viết lách mang tính thực tiễn cao để bạn ứng dụng được vào trong việc viết kịch bản phim, tiểu thuyết, kịch bản truyền hình hay truyện ngắn. Tôi sẽ:

  • Cho bạn thấy một câu chuyện hay là một thực thế sống thật sự. Không phải một cái máy, mà là một cơ thể sống có thể tự vận động được;

  • Giúp bạn hiểu kể chuyện cũng như công việc thủ công mỹ nghệ, đòi hỏi sự lành nghề với những kỹ thuật điêu luyện và chính xác, thứ sẽ giúp bạn thành công, không quan trọng là bạn chọn thể loại hay phương thức nào;

  • Hoàn thiện cho bạn quy trình viết, bao gồm cách phát triển nhân vật và cốt truyện một cách tự nhiên từ ý tưởng gốc của bạn.

Thách thức lớn nhất mà mọi nhà biên kịch phải đối mặt là vượt qua sự mâu thuẫn giữa mục đầu tiên và mục thứ hai mà tôi kể phía trên. Bạn thiết lập một câu chuyện từ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, các thành tố (element) và sử dụng hàng loạt các kỹ thuật phức tạp. Nhưng câu chuyện phải đem lại cảm giác tự nhiên (organic) cho khán giả, nó phải tạo cảm giác như một vật thể sống độc lập tự phát triển và tự xây dựng đến cao trào. Nếu bạn muốn trở thành người kể chuyện giỏi, bạn phải làm chủ kỹ thuật này đến một mức độ mà các nhân vật của bạn tạo ra cảm giác như họ tự sống trong thế giới đó, và nhất định phải như vậy, cho dù bạn mới là người quyết định họ sẽ làm gì.


Cảm giác rằng chúng ta, những người kể chuyện, có khá nhiều điểm tương đồng với các vận động viên. Một vận động viên giỏi khiến mọi thứ trông thật dễ dàng, như thể cơ thể của anh ta cứ tự động di chuyển như vậy. Nhưng thực tế thì anh ta đã làm chủ được các kỹ thuật của môn thể thao đó đến mức mà các kỹ thuật đó ẩn mình sau ánh mắt dõi theo của khán giả. Những gì khán giả thấy được còn lại chỉ là vẻ đẹp của sự hoàn mỹ.


NGƯỜI KỂ VÀ NGƯỜI NGHE


Hãy bắt đầu vào việc một cách đơn giản thôi: một dòng định nghĩa của "câu chuyện":

Một người kể chuyện kể cho một người nghe việc một ai đó đã làm để đạt được cái anh ta muốn và lý do anh ta muốn thứ đó.

Bạn sẽ dễ nhận thấy rằng ở đây chúng ta có ba thành tố: người kể (teller), người nghe (listener) và câu chuyện được kể (story).


Người kể chuyện là người đầu tiên và trước nhất "nhập vai" (John Truby chơi chữ với từ "play", vừa mang nghĩa "đóng phim", vừa mang nghĩa "chơi đùa", ghi chú của người dịch). Truyện thực chất là trò chơi ngôn từ mà tác giả chơi đùa với khán giả. Người kể chuyện xây dựng nên các nhân vật và hành động của họ. Anh ta kể chuyện gì đã xảy ra, bố trí hàng loạt các hành động được thực hiện theo cách nào đó. Kể cả khi anh ta kể chuyện ở thì hiện tại (như trong kịch bản sân khấu hay kịch bản phim), người kể chuyện cũng đang tổng kết lại các sự kiện, khiến cho người nghe cảm giác tất cả mọi thứ được gộp lại thành một thứ hoàn chỉnh và trọn vẹn.


Nhưng kể chuyện thì không đơn giản là dựng lên hay nhớ lại các sự kiện trong quá khứ. Các sự kiện chỉ mang tính chất mô tả. Còn người kể chuyện mới thực sự chọn lọc, lắp ráp, và xây dựng nên những khoảnh khắc đầy cảm xúc. Những khoảnh khắc ấy cứ tích tụ lại trong tâm trí khiến người nghe có cảm giác đang sống trong nội tâm nhân vật. Một người kể chuyện hay không chỉ nói cho khán giả biết chuyện gì đã xảy ra, mà còn đem lại cho họ trải nghiệm thực sự. Đó là những trải nghiệm cần thiết, dù chỉ là những ý nghĩ và sự kiện, nhưng nó được truyền tải theo cách mới lạ hơn, nó trở thành một phần trong cuộc đời của khán giả.


Một câu chuyện hay khiến khán giả hồi tưởng lại các sự kiện trong thực tại để họ có thể hiểu những động lực, những lựa chọn và những cảm xúc đã dẫn đến những quyết định và hành động của nhân vật. Câu chuyện thực sự đem lại cho khán giả một dạng hình thái của kiến thức - kiến thức về mặt cảm xúc - hay thường được biết đến với tên gọi là "sự thông tuệ" (wisdom), theo một cách vui vẻ và dễ tiếp thu.


Với vai trò là một nhà thiết kế trò chơi ngôn từ, nhằm đem lại một trải nghiệm khác về cuộc sống, một người kể chuyện đặt ra một câu đố và mong muốn người nghe tự mình khám phá câu trả lời. Tác giả tạo ra câu đố theo cách thế này: Anh ta kể cho khán giả một lượng thông tin nhất định về một nhân vật giả tưởng, rồi anh ta giấu đi một vài thông tin khác. Che giấu thông tin là thứ cốt yếu để khiến khán giả tin vào điều gì đó. Nó thúc đẩy khán giả phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: nhân vật đó là ai, và anh ta đang làm gì, từ đó dẫn dắt khán giả vào thế giới của câu chuyện. Khi mà khán giả không còn phải tìm kiếm điều gì nữa cũng là lúc câu chuyện đến lúc dừng lại.


Khán giả thích trải nghiệm câu chuyện cả về mặt cảm xúc (sống trong thế giới mới) và tư duy (tìm lời giải cho câu đố). Mọi câu chuyện hay đều có cả hai thứ đó. Nhưng bạn cũng có thể thấy rằng một số câu chuyện thường chỉ tập trung vào một trong hai, từ những câu chuyện tình lâm ly bi đát cho đến những câu chuyện trinh thám hại não.


CÂU CHUYỆN


Có đến hàng ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu, những câu chuyện khác nhau. Điều gì khiến chúng thực sự là một câu chuyện? Mọi câu chuyện có mục đích gì? Điều gì mà người kể chuyện vừa tiết lộ lại vừa che giấu với khán giả?


KEY POINT: Tất cả các câu chuyện là một hình thái giao tiếp, chúng thể hiện ra một thứ gọi là "dramatic code".

"Dramatic code" là thứ nằm ẩn sâu trong tâm trí con người, là một mô tả về cách một nhân vật phát triển hay trưởng thành, và là một quá trình chạy xuyên suốt bên dưới mọi câu chuyện. Người kể chuyện ẩn giấu quá trình này sau mỗi nhân vật và hành động cụ thể. Nhưng chính nó lại là thứ mà khán giả cuối cùng sẽ nhận về sau mỗi một câu chuyện hay.


Hãy nhìn vào "dramatic code" trong hình thái đơn giản nhất của nó.


Trong "dramatic code", sự thay đổi được tích lũy bởi ham muốn (desire). Thế giới của câu chuyện không vận hành theo kiểu "Tôi nghĩ, vậy nên tôi..." mà là "Tôi muốn, vậy nên tôi..." Dù ở khía cạnh nào, ham muốn là thứ khiến Trái Đất này vận hành. Nó là động lực thúc đẩy tất cả những sinh vật sống có ý thức và là kim chỉ nam của chúng. Một câu chuyện phải đi theo những gì mà nhân vật muốn, những việc anh ta sẽ làm để đạt được điều đó, và những cái giá mà anh ta sẽ phải trả trên con đường thực hiện ước muốn.


Một khi nhân vật có ham muốn, câu chuyện sẽ tự đi trên hai cái chân của nó. Cái chân trụ thứ nhất là acting (hành động) và chân trụ còn lại là learning (học hỏi). Nhân vật theo đuổi ham muốn, thực hiện hành động để đạt được thứ anh ta muốn, rồi anh ta học hỏi những thông tin mới để biết những cách tốt hơn. Khi anh ta học hỏi được thông tin mới, anh ta đưa ra quyết định rồi lại thay đổi hành động của mình.


Tất cả câu chuyện đều đi như vậy. Nhưng một số câu chuyện sẽ nhấn mạnh cái chân trụ này hơn cái kia. Những thể loại nhấn mạnh hành động là truyện thần thoại và những phiên bản sau đó của nó. Còn những thể loại nhấn mạnh học hỏi hầu hết là chuyện trinh thám và chính kịch.


Bất cứ nhân vật nào theo đuổi mong muốn và bị ngăn cản đều sẽ bị đẩy vào tình thế khó khăn (nếu không thì câu chuyện sẽ dừng lại ở đó). Và khó khăn đó khiến anh ta thay đổi. Vậy nên mục tiêu cuối cùng của dramatic code (và của người kể chuyện) là cho thấy được sự thay đổi của nhân vật hoặc làm sáng tỏ lý do vì sao sự thay đổi không diễn ra.


Những phương thức kể chuyện khác nhau định hình sự thay đổi nhân vật theo những cách khác nhau:

  • Truyện thần thoại thể hiện charater arc (hành trình phát triển nhân vật) rộng nhất, từ lúc sinh tới lúc tử, từ sinh thú tới các vị thần;

  • Kịch sân khấu thường tập trung vào khoảnh khắc đưa ra quyết định của nhân vật chính;

  • Phim ảnh (nhất là phim Mỹ) thể hiện những sự thay đổi dù nhỏ nhất mà một nhân vật phải trải qua khi theo đuổi một mục tiêu giới hạn với quyết tâm lớn;

  • Truyện ngắn cổ điển thường theo sát một số sự kiện dẫn tới việc nhân vật thu về một ý niệm quan trọng bên trong tư tưởng của mình;

  • Tiểu thuyết thường mô tả cách một người tương tác và thay đổi bên trong một xã hội rộng lớn và thể hiện chính xác những quá trình cảm xúc tâm lý dẫn đến sự thay đổi đó;

  • Phim truyền hình khai thác một số lượng lớn các nhân vật trong một xã hội thu nhỏ, phải vật lộn để cùng thay đổi.

Trọng tâm câu chuyện là khoảnh khắc của sự thay đổi, cùng sự tác động khi một người từ bỏ những thói quen, hay nỗ lực loại bỏ điểm yếu, hay quên đi bóng ma của quá khứ và biến đổi thành một người viễn mãn và đủ đầy hơn. Dramatic code thể hiện ý niệm rằng loài người có thể trở thành một phiên bản tốt hơn của chính họ, cả về mặt tâm lý và mặt đạo đức. Đó chính là lý do khiến mọi người thích câu chuyện đó.


KEY POINT: Các câu chuyện không cho khán giả thấy thế giới thực (real world), mà cho thấy thế giới bên trong câu chuyện đó (story world). Một nơi không phải là một bản sao của cuộc sống bình thường, mà là một thế giới mà loài người có thể hình dung. Đó là thế giới loài người được cô đọng lại, được thêm những gia vị và màu sắc khác nhau, để cuối cùng khán giả có thể hiểu hơn về cách vận hành của mọi thế giới.

"THỂ XÁC" CỦA CÂU CHUYỆN


Các câu chuyện mô tả hành trình của con người khi trải qua một quá trình tự nhiên. Bản thân câu chuyện cũng là một bản thể sống. Ngay cả những câu chuyện đơn giản nhất dành cho trẻ con cũng được tạo nên từ nhiều phần, hay nhiều nhánh phụ, chúng kết nối và thúc đẩy lẫn nhau. Cũng như cơ thể con người được tạo nên từ các hệ thống như hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, khung xương,.... một câu chuyện được tạo nên từ các subsystem (hệ thống phụ) như hệ thống nhân vật, cốt truyện, các nút tháo gỡ, thế giới bên trong câu chuyện, tuyên ngôn đạo đức, hệ thống biểu tượng, các phân cảnhnhững đoạn hội thoại (tất cả những thứ trên đều sẽ được giải thích trong các chương tiếp theo).


Có thể thấy rằng chủ đề (hay như tôi thường gọi là tuyên ngôn đạo đức) có thể được coi là bộ não của câu chuyện. Nhân vật là trái tim và hệ tuần hoàn. Các nút tháo gỡ là hệ thống thần kinh. Cấu trúc câu chuyện là khung xương. Còn các cảnh là lớp da. Tất cả tạo nên "thể xác" của một câu chuyện.


KEY POINT: Mỗi hệ thống phụ của câu chuyện hàm chứa một mạng lưới các thành tố để giúp xác định và phân biệt với các thành tố khác.

Không có thành tố đơn lẻ nào trong câu chuyện của bạn (kể cả "nhân vật chính") là có ý nghĩa nếu bạn không xác định được mối quan hệ của nó với các thành tố khác.


CÁCH PHÁT TRIỂN CỦA CÂU CHUYỆN


Câu chuyện tuyến tính


Câu chuyện tuyến tính theo chân nhân vật chính từ khi khởi đầu tới khi kết thúc, như thế này:

Phương pháp này dùng khi tác giả muốn giải thích những sự kiện trong quá khứ trước nhất. Hầu hết phim Hollywood đều được làm kiểu này. Họ tập trung vào một nhân vật chính duy nhất, người theo đuổi một ham muốn riêng biệt với quyết tâm mãnh liệt. Khán giả được chứng kiến quá trình của nhân vật từ khi anh ta hành động vì mục đích đến khi anh ta thay đổi như một hệ quả.


Câu chuyện uốn khúc


Một câu chuyên uốn khúc phát triển theo một đường quanh co mà không có định hướng cụ thể. Theo lẽ tự nhiên, hình dạng quanh co này có thể thấy từ những dòng sông, con rắn hay bộ não con người.

Những câu truyện thần thoại như Odyssey; truyện tranh phiêu lưu như Don Quixote, Tom Jones, Adventures of Huckleberry Finn, Little Big ManFlirting with Disaster; và nhiều câu chuyện của Charles Dickens, như David Copperfield, đều là ví dụ cho kiểu kể chuyện uốn khúc. Nhân vật chính có một ham muốn, nhưng nó không quá mãnh liệt. Câu chuyện của anh ta trải trên một phạm vi rất rộng và anh ta gặp nhiều nhân vật với đủ loại thành phần trong xã hội.


Câu chuyện xoắn ốc


Xoắn ốc là kiểu hình dạng mà ta thấy một đường tròn chạy dần vào trong tâm.

Trong tự nhiên, hình xoắn ốc có thể được tìm thấy trong các cơn lốc xoáy, cái sừng và vỏ sò.


Những phim giật gân như Vertigo, Blow-Up, The ConversationMemento thường thích đi theo hướng này, trong đó một nhân vật liên tục quay lại một sự kiện hay một ký ức nào đó và càng ngày càng đào sâu nó hơn.


Câu chuyện rẽ nhánh


Rẽ nhánh là một hệ thống các con đường, mở rộng từ một số điểm nhất định, rồi ngày càng phân nhánh và tạo ra những phần nhỏ hơn nữa, như hình dưới đây:

Trong tự nhiên, nhánh thường được thấy ở cây, lá và lưu vực các con sông.


Khi kể chuyện rẽ nhánh, mỗi nhánh thường đại diện cho một xã hội hoàn chỉnh hoặc cho một giai đoạn nào đó của cùng một xã hội mà nhân vật chính đang khai phá. Kiểu câu chuyện này thường gặp trong các tiểu thuyết hư cấu phức tạp, như Gulliver's Travels It's a Wonderful Life, hay trong những câu chuyện có nhiều nhân vật chính như Nashville, American GraffitiTraffic.


Câu chuyện lan tỏa


Lan tỏa là hình dạng với nhiều hướng phát triển một cách đồng bộ. Trong tự nhiên, hình dạng kiểu này có thể được tìm thấy trong núi lửa và hoa bồ công anh.

Trong một câu chuyện, bạn không thể đồng thời cho khán giả thấy nhiều hành động cùng một lúc, bởi vì bạn phải kể việc này trước, việc kia sau. Vậy nên, nói đúng ra thì không có kiểu câu chuyện lan tỏa. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tạo ra cảm giác của sự đồng thời. Trong phim ảnh, điều này được thực hiện với kỹ thuật crosscut.


Các câu chuyện kể những hành động (có cảm giác như) đang xảy ra đồng thời ngụ ý một sự giải thích mang tính so sánh của những điều đang xảy ra. Bằng việc chứng kiến nhiều thành tố cùng lúc, khán giả nắm được ý chính được ẩn giấu trong mỗi thành tố. Những câu chuyện như thế này cũng nhấn mạnh hơn vào việc khám phá thế giới, cho thấy sự kết nối giữa hàng loạt các thành tố và cách mà con người ăn nhập (hoặc không ăn nhập) với tổng thể.


Các câu chuyện nhấn mạnh hành động đồng thời thường sử dụng cấu trúc phân nhánh, trong đó có thể kể đến như American Graffiti, Pupl Fiction, Traffic, Syriana, Crash, Nashville, Tristram Shandy, Ulysses, Last Year at Marienbad, Ragtime, The Canterbury Tales, L.A. ConfidentialHannah and Her Sisters. Mỗi câu chuyện đều đại diện cho một cách phối hợp khác nhau của cách kể chuyện tuyến tính và kể chuyện lan tỏa, nhưng tất cả đều nhấn mạnh mối quan hệ giữa các nhân vật với thế giới của câu chuyện, thay vì chỉ mô tả sự phát triển của một nhân vật từ đầu tới cuối.


VIẾT RA CÂU CHUYỆN CỦA BẠN


Ok, giờ hãy thực tế chút: Quy trình viết lách nào sẽ là tốt nhất để bạn viết được nên một câu chuyện hay?


Hầu hết các tác giả đều không sử dụng cách tốt nhất trong quá trình sáng tạo. Họ sử dụng cách dễ nhất. Chúng ta có thể mô tả cách đó bằng 4 từ: ngoại vi (external), máy móc (mechanical), rời rạc (piecemeal) và chung chung (generic). Tất nhiên, có rất nhiều bản thế khác của quy trình này, nhưng chung quy lại vẫn là như thế này:


Tác giả nảy ra trong đầu một tiền đề (premise) hay một ý tưởng (idea) cho câu chuyện, mà thực chất là một bản sao mập mờ của một tác phẩm khác đã tồn tại. Hoặc đó là một sự pha trộn của hai câu chuyện khác mà anh ta đã ráp nối vào với nhau một cách "sáng tạo" (anh ta nghĩ là như thế). Biết được tầm quan trọng của nhân vật chính, tác giả của chúng ta tập trung hầu hết sự quan tâm vào người này. Anh ta "nhồi nhét" một cách máy móc vào nhân vật này bằng cách thêm thắt càng nhiều đặc điểm càng tốt, tìm ra cách để nhân vật đó thay đổi vào cảnh cuối. Rồi anh ta nghĩ đến phản diện và các nhân vật phụ, riêng rẽ và kém quan trọng hơn chút so với nhân vật chính. Vậy nên mấy người này hầu hết thường là những nhân vật được xây dựng một cách nghèo nàn và yếu ớt.


Khi nói đến chủ đề, tác giả của chúng ta né tránh nó hoàn toàn nên không ai có thể nói anh ta là đang giáo điều. Hoặc là anh ta nói toẹt ra trong các đoạn hội thoại. Anh ta xây dựng nên câu chuyện trong một thế giới ngẫu nhiên nào đó mà có vẻ không quá khác lạ cho các nhân vật, hầu hết sẽ là bối cảnh một thành phố, nơi mà phần đa khán giả của anh ta sinh sống. Anh ta cũng chả buồn sử dụng các biểu tượng (symbol) vì nó sẽ trông hiển nhiên và phô trương.


Anh ta bắt đầu nghĩ một cốt truyện và các chuỗi cảnh dựa trên một câu hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Thông thường thì nhân vật chính sẽ trải qua một hành trình vận động nào đó. Anh ta xây dựng một cốt truyện có sử dụng cấu trúc ba hồi, với một dấu hiệu ngoại lai nào đó sẽ chia câu chuyện thành các mảnh ghép nhưng chẳng có sự liên kết ngầm nào giữa các sự kiện xảy ra. Kết cục là, câu chuyện thì rời rạc, lủng củng, thiếu kết nối. Anh ta bắt đầu phàn nàn rằng rõ ràng mình đã có cái gọi là "vấn đề ở hồi hai" và không hiểu nổi vì sao câu chuyện không thể tạo ra một cao trào đủ mạnh mẽ để lay động khán giả sâu sắc. Cuối cùng, anh ta đành phải vắt ra lời thoại đẩy mạch truyện đi tiếp. Nếu anh ta là một người tham vọng, anh ta sẽ để cho nhân vật chính của mình phát biểu trực tiếp cái chủ đề của câu chuyện trong đoạn hội thoại gần cuối truyện luôn.


Để không còn phải đi theo quy trình như vậy, tôi sẽ chỉ cho bạn một quy trình viết nội tại (internal), tự nhiên (organic), chặt chẽ (interconnected) và nguyên bản (original). Nhưng tôi cảnh báo trước với bạn, phương pháp này không hề dễ dàng. Tôi tin rằng cách tiếp cận này (hay một vài biến thể của nó) là cách duy nhất thực sự hiệu quả. Bạn có thể học hỏi dần dần, không cần quá vội.


Đây là quy trình viết mà chúng ta sẽ sử dụng trong cuốn sách này. Chúng ta sẽ khám phá những kỹ thuật kể chuyện theo một trình tự đúng như trình tự mà bạn xây dựng câu chuyện của mình. Quan trọng nhất là bạn phải biết cách thiết kế câu chuyện từ trong ra ngoài. Có 2 cách hiểu điều này: (1) làm cho câu chuyện phải mang đậm dấu ấn cá nhân và độc đáo và (2) tìm kiếm và phát triển những thứ nguyên bản trong câu chuyện của bạn. Với mỗi chương, câu chuyện của bạn sẽ phát triển và trở nên chi tiết, cặn kẽ hơn, phần này ráp nối với phần kia.

  • Premise (Tiền đề): Chúng ta sẽ bắt đầu với tiền đề, khi mà toàn bộ câu chuyện được cô đọng lại trong một câu duy nhất. Tiền đề ấy sẽ gợi ý cho chúng ta về điều cốt lõi, bản chất của câu chuyện, và chúng ta sử dụng nó để khám phá cách phát triển, từ đó có thể tận dụng hết ý tưởng gốc ban đầu.

  • Bảy bước quan trọng xây dựng cấu trúc câu chuyện: Là những bước quan trọng trong việc phát triển câu chuyện của bạn cũng như dramatic code ẩn sâu bên dưới. Hãy nghĩ bảy bước này như là DNA của câu chuyện. Làm tốt những bước này sẽ đem lại cho câu chuyện một nền tảng ổn định và vững chắc.

  • Character (Nhân vật): Tiếp đến, chúng ta sẽ tạo ra các nhân vật, không phải hô biến ra từ không khí, mà là xây dựng từ ý tưởng ban đầu của bạn. Chúng ta sẽ kết nối và so sánh nhân vật này với nhân vật kia, để các nhân vật của chúng ta đều có nhân dạng rõ ràng. Sau đó chúng ta sẽ xác định nhiệm vụ của họ trong câu chuyện để giúp nhân vật chính phát triển.

  • Theme / Moral Argument (Chủ đề / Tuyên ngôn đạo đức): Chủ đề câu chuyện là tầm nhìn về mặt tinh thần, đạo đức của bạn. cách mà bạn nhìn thế giới vận hành và phản ứng của mỗi người trước một vấn đề xảy ra. Nhưng thay vì biến nhân vật của bạn thành cái loa để bạn truyền tải thông điệp, chúng ta sẽ thể hiện chủ đề đó như là một thứ cố hữu trong ý tưởng câu chuyện. Và chúng ta sẽ thể hiện chủ đề thông qua cấu trúc câu chuyện, để nó vừa gây nhạc nhiên lại vừa lay động khán giả.

  • Story World (Thế giới trong câu chuyện): Sau đó chúng ta kiến tạo nên thế giới của câu chuyện, nơi mà nhân vật chính phát triển. Thế giới câu chuyện sẽ giúp bạn định nghĩa nhân vật chính và cho khán giả thấy sự thể hiện về mặt lý tính của sự phát triển nhân vật đó.

  • Symbol Web (Hệ thống biểu tượng): Biểu tượng là một ý nghĩa hay thông điệp nào đó được nén chặt lại rồi đưa vào bên trong một sự vật. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về mạng lưới những biểu tượng thường được sử dụng để nhấn mạnh hay thảo luận về những khía cạnh khác nhau của nhân vật, thế giới và cốt truyện.

  • Plot (Cốt truyện): Từ các nhân vật chúng ta sẽ dần định hình được câu chuyện. Cốt truyện sẽ phát triển lên từ những nhân vật độc đáo. Sử dụng 22 bước để xây dựng cấu trúc câu chuyện (7 bước quan trọng đã đề cập bên trên cộng thêm 15 bước nữa) chúng ta sẽ thiết kế được một cốt truyện mà tất cả các sự kiện liên kết chặt chẽ ngầm với nhau và xây nên một cái kết không chỉ bất ngờ mà còn hợp lý.

  • Scene Weave (Dệt cảnh): Bước cuối cùng trước khi bắt tay vào viết từng cảnh, chúng ta sẽ cần có một danh sách của tất cả các cảnh sẽ xuất hiện trong câu chuyện, với tất cả các tình tiết và chủ đề được đan xen, móc nối vào nhau như dệt một tấm thảm.

  • Scene Construction (Cấu trúc cảnh) và Symphonic Dialogue (Các đoạn hội thoại): Cuối cùng chúng ta sẽ thực hiện việc viết truyện, trong đó công việc của chúng ta là xây dựng cấu trúc của từng cảnh một để nó có thể thúc đẩy sự phát triển của nhân vật. Chúng ta cũng cần viết những hội thoại, không cần phải đẩy diễn biến câu chuyện, nhưng phải có có hồn và âm điệu (symphonic), như một sự hòa hợp từ nhiều nhạc cụ và cao độ khác nhau.

Một khi bạn đã thấy câu chuyện của mình đâm chồi và mọc lên trước mắt, tôi xin thề với bạn rằng bạn sẽ vô cùng tận hưởng sự kiến tạo này. Giờ thì bắt đầu thôi.

Đọc thêm:

299 views0 comments

Comments


©2022 by Dinh Tuan Anh

bottom of page