top of page

[Filmmaking for Dummies] Chương 1: Vậy là bạn muốn làm phim?

  • Writer: Đinh Tuấn Anh
    Đinh Tuấn Anh
  • Jun 21, 2021
  • 18 min read

Updated: Jun 25, 2021

[Series Filmmaking for Dummies được lược dịch từ cuốn Filmmaking for Dummies của Bryan Michael Stoller, đạo diễn phim độc lập người Canada]


PHẦN 1 - LÀM PHIM & KỂ CHUYỆN


Chương 1: Vậy là bạn muốn làm phim?


Phim là một công cụ kể chuyện mạnh mẽ. Chỉ cần được trang bị một kịch bản có khả năng thực thi và những người đồng đội hăng hái là bạn chắc chắn sẽ có một chuyến hành trình đầy thú vị. Điều quan trọng nhất đem lại sự thành công của một tác phẩm điện ảnh chính là niềm thôi thúc được kể một câu chuyện. Và cách tốt nhất để kể những câu chuyện đó là bằng hình ảnh. Làm phim chỉ đơn giản là kể chuyện bằng hình ảnh dưới hình hài của những shot phim, các shot phim thì tạo nên các cảnh, và rồi các cảnh hợp nhất lại thành một bộ phim hoàn chỉnh.


Là một nhà làm phim, bạn phải có sức mạnh để gây ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác, khiến họ nhìn nhận mọi thứ theo một góc nhìn khác, giúp họ khám phá thêm nhiều ý niệm, hoặc đơn giản là giúp họ thoát ra khỏi cuộc sống thường nhật. Trong rạp tối, bạn có được sự chú ý không rời mắt của các khán giả. Họ là của bạn. Hãy làm họ được vui vẻ, khiến họ cười, khiến họ xúc động, khiến họ phải đổ lệ. Tôi tin rằng bạn không thể tìm được phương pháp nào mạnh mẽ hơn để bộc lộ con người bên trong bạn hơn là điện ảnh.


Có thể chia ra 3 loại phim thường được sản xuất cho các khán giả ra rạp:

  • Phim Studio: Một phim studio thường được bật đèn xanh bởi người đứng đầu của studio, có ngân sách trung bình từ 60 triệu đô trở lên (một số có thể lên tới 150 triệu đô), có một vài cái tên đình đám được mời đến để bảo chứng phòng vé. Ở thời điểm hiện tại, nhiều studio sản xuất các bộ phim dựa trên các siêu anh hùng truyện tranh (như Hulk, Batman, Spider-Man), dựa trên những TV show ăn khách (như Get Smart, Sex in the City), dựa trên tiểu thuyết bán chạy (như series Harry Potter), hay dựa trên các high concept (như Jurassic Park, Journey to the Center of the Earth), cùng với các tên tuổi nổi tiếng như Brad Pitt, Tom Hanks, Angelina Jolie). Nếu một studio quyết định vung tiền để làm phim thì chính họ mới là người chịu trách nhiệm cho tác phẩm đó, chứ không phải là nhà làm phim.

  • Phim độc lập: Một bộ phim độc lập đúng nghĩa thường là một bộ phim với chi phí rất thấp (chỉ tốn đâu đó khoảng 5.000 đến 1 triệu đô), bởi nhà làm phim sẽ phải kêu gọi nguồn tiền để tự làm phim cho bản thân mình mà không phải là tài chính của một studio nào cả. Phần lớn những bộ phim xuất hiện tại các liên hoan phim là phim độc lập, được sản xuất riêng rẽ không phụ thuộc vào các studio.

  • Phim studio độc lập: Thông thường, các studio lớn sẽ có những nhánh sản xuất riêng biệt với quy mô nhỏ, được trao cho ít ngân sách hơn và ít sự can thiệp của những nhân vật có tiếng nói trong công ty trong việc sản xuất và phát hành. Một số ví dụ điển hình của loại phim này bao gồm Sideways, Little Miss SunshineJuno. Chúng đều được sản xuất bởi một studio phim độc lập thuộc hãng 20th Century Fox - đó là Fox Searchlight. Khái niệm "phim studio độc lập" thực ra nghe rất mâu thuẫn bởi một phim được sản xuất bởi studio thì không thể được gọi là phim độc lập. Song, trông chúng rất giống các bộ phim độc lập và không ít các phim này đã đạt được những giải thưởng danh giá.

Từ trái qua phải: Phim studio (Avengers: Endgame), phim độc lập (Donnie Darko), phim studio độc lập (Three Billboards Outside Ebbing, Missouri)

Rất dễ nhận ra cả những ưu điểm và nhược điểm của từng thể loại phim trên. Với một phim độc lập, sản phẩm cuối cùng của bạn được chiếu trên màn ảnh rộng thường khá giống với những gì bạn hình dung về nó, nhưng bạn lại không có được nhiều ngân sách. Một phim studio có sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính và có thể trả được những khoản lương kếch sù trên trời mà diễn viên yêu cầu, cũng như là trả tiền cho những hiệu ứng hình ảnh và có thể quay trong khoảng thời gian dài hơn. Nhưng phim studio sẽ giống với những gì studio đó hình dung hơn là một cá nhân cụ thể nào, theo một cách kinh tế nhất có thể. Studio sẽ nhìn vào lợi nhuận trước tiên, rồi mới đến tính sáng tạo bên trong đó. Nhiều nhà làm phim độc lập nhận ra rằng, dù có tiền thì cũng tốt đấy, nhưng được độc lập mới giúp họ kể được câu chuyện theo cách mà mình mong muốn.


Tuy vậy, một phim độc lập không nhất thiết phải là phim có ít kinh phí hoặc không có kinh phí. George Lucas là một nhà làm phim độc lập bá đạo. Ông ấy không phụ thuộc vào bất cứ hãng phim nào, tự đưa ra quyết định cho câu chuyện mà không màng đến các vấn đề chính trị hay các quy định cứng nhắc mà các studio đưa ra. Star Wars trông không giống một phim độc lập cho lắm, nhưng đấy chính xác là một phim độc lập.


Làm phim: Truyền thống hay Kỹ thuật số?


Ngày nay, không khó để bạn có thể tự sản xuất phim của mình ra rất nhiều các định dạng khác nhau. Bạn có thể chọn video analog hay video digital, độ phân giải full HD, hay một máy quay phim truyền thống sử dụng phim super-8 hay super-16, hoặc là lựa chọn của các studio - cuộn phim 35mm.


HÃY NHỚ:

Phương pháp mà bạn lựa chọn để kể câu chuyện của mình, dù là gì, sẽ gây tác động nhất định đến cảm xúc và phản ứng của khán giả. Một phim được quay bằng phim cuộn sẽ có cảm giác hơi hoài niệm, như là bạn đang xem một thứ gì đó đã xảy ra trong quá khứ. Phim quay bằng phương pháp hiện đại lại gợi ra cảm giác như là nó đang xảy ra hiện tại, được vạch trần trước mắt bạn, như là tin tức tối nay. Bạn có thể sử dụng kiến thức này để làm mạnh mẽ thêm cảm xúc của khán giả. Ví dụ: Steven Spielberg đã quay Schindler's List dưới dạng đen trắng để truyền tải rằng bộ phim này dựa trên một sự kiện trong quá khứ, và cũng để mô tả sự thê lương của thời kỳ đó.


Truyền thống: Super-8, 16mm hay 35mm?


Super-8 là định dạng nhập môn phù hợp và dễ dàng tiếp cận cho người mới nhập môn làm phim. Định dạng này cho phép người dùng sử dụng cuộn nhựa phim, phát triển nó, và thậm chí là cắt nó một cách vật lý. Super-8 bằng một nửa độ rộng so với 16mm, và nhỏ hơn 1/5 chiều rộng của 35mm, Do đó, nó sẽ nhiễu hạt hơn và không phải là một phương thức chuyên nghiệp, trừ khi bạn muốn tạo hiệu ứng hình ảnh như vậy. Các MV cũ kỹ, phim tài liệu và phim gia đình phù hợp với Super-8.


16mm có thể sản xuất ra chất lượng hình ảnh trọn vẹn nếu sản phẩm cuối cùng của bạn được phát sóng trên TV. Nếu chiếu trong rạp, 16mm sẽ tạo ra những khung hình hơi nhiễu hạt. Một số TV show như Tales from the Darkside được quay trên cuộn 16mm. Còn một số TV series như Monk (có sự tham gia của Tony Shalhoub) quay trên định dạng Super 16mm, một định dạng cho ra khung hình lớn hơn trên cuộn phim 16mm để tạo ra chất lượng hình ảnh tốt hơn, với nhiều chi tiết và ít nhiễu hạt hơn.


Sự lựa chọn chuyên nghiệp nhất cho hầu hết các chương trình TV và phim điện ảnh là 35mm. Định dạng này cho ra chất lượng hình ảnh rất tốt khi được chiếu rạp và cũng rất chân thực khi được chuyển qua màn ảnh nhỏ hơn như trên TV.


Lên kỹ thuật số: SD hay HD?


Trong thời đại công nghệ kỹ thuật số ngày nay, Hầu hết mọi người, với một chiếc máy tính và một máy quay video, đều có thể làm phim. Bạn có thể mua (với giả khoảng 60 triệu VND) hoặc thuê một máy quay kỹ thuật số 24 frame (như Panasonic AG-DVX-100B) là có thể giả lập được hình ảnh y như phim truyền thống mà không phát sinh thêm chi phí mua cuộn phim đắt đỏ. Thêm một chút ngân sách nữa, bạn có thể quay phim với một máy quay kỹ thuật số HD (độ phân giải cao) như là Panasonic AG-HVX200, hoặc Sony PMW-EX1, những máy quay sử dụng thẻ nhớ để lưu trữ file gốc.


Nếu bạn không có đủ tiền mua một trong những máy quay kỹ thuật số, bạn có thể mua một phần mềm máy tính như Magic Bullet Frames (www.redgiantsoftware.com), thứ có thể biến một shot quay thô bằng máy quay gia đình trở nên giống như là được quay bằng máy phim. Nhiều máy tính còn cài đặt sẵn cho bạn những phần mềm chỉnh sửa video miễn phí. Trong chương 16, tôi sẽ cho bạn một vài tip để bạn có thể tự khởi đầu studio hậu kỳ kỹ thuật số của riêng mình. Bạn có thể khám phá thêm những thông tin kỹ thuật của việc ghi hình kỹ thuật số trên máy tính, rồi biên tập và chia sẻ thành phẩm trong Digital Video For Dummies bởi Keith Underdahl (xuất bản bởi Wiley). Bạn cũng có thể biết thêm về nhiều thông tin máy ảnh trong Chương 10.


HD (độ phân giải cao) là công nghệ thời đại mới giúp đưa chất lượng hình ảnh máy quay lên một bước tiến mới. Hình ảnh trở nên sắc nét hơn, rực rỡ hơn, và gần với mắt thường của con người hơn là những gì mà máy quay SD làm được. Xem video HD giống như nhìn qua một cửa sổ - hình ảnh vô cùng sống động, cứ như có thể thở được. Những máy quay kỹ thuật số HD mới sử dụng cả công nghệ HD và công nghệ 24 frame để giả lập hình ảnh đẹp như quay bằng phim, mà không thực sự sử dụng một cuộn phim nào cả.


Phát triển nhận thức về câu chuyện


Bởi vì bạn không thể làm ra được một bộ phim hay mà không có câu chuyện tốt, lựa chọn chất liệu phù hợp là quan trọng hơn hết thảy so với bất cứ thứ gì khác. Những sự nghiệp làm phim vĩ đại đã được tạo nên bằng những quyết định đúng đắn về sự phát triển của câu chuyện hơn là tài diễn xuất hay các kỹ năng khác. Vậy bạn có thể tìm ở đâu những ý tưởng hay ho và biến nó thành phim? Một ý tưởng gieo mầm trong đầu như là một hạt giống tí hon, và rồi nó nảy mầm và bắt đầu đâm rễ, cuối cùng là kết trái thành một kịch bản gốc hoàn chỉnh. Liệu bạn đã có hạt giống tí hon ấy chưa?


Đến chương 3, tôi sẽ nói với bạn cách để tìm ra ý tưởng và cho bạn một số tip để biến ý tưởng thành một kịch bản điện ảnh. Tôi cũng sẽ cho bạn cách để kiếm soát những chất liệu sẵn có (một cách tạm thời), cho dù đó là câu chuyện của một người khác hay là một tiểu thuyết đã từng xuất bản.



Ngân sách làm phim: Tiền từ đâu mà ra?


Để làm được phim, bạn phải có tài chính. Huy động vốn không quá khó khăn như tên gọi của nó nếu bạn có một câu chuyện đủ hấp dẫn và có một kế hoạch kinh doanh rõ ràng. Bạn có thể tìm kiếm các nhà đầu tư, những người đang muốn dùng tiền của họ để đem lại cho bản thân họ sự hứng thú nào đó, như là khi họ được tham gia vào quá trình làm phim, hoặc khi họ có được lợi nhuận. Thâm chí ngay cả bạn bè hay người thân cũng là những nhà đầu tư tiềm năng cho phim của bạn, nhất là khi ngân sách của bạn chỉ nằm trong một khoảng rất thấp.


Trong chương 5, tôi sẽ cho bạn một số cách để tìm kiếm nhà đầu tư, cũng như cách làm sao để thu hút sự chú ý của họ đến phim của bạn. Bạn cũng sẽ tìm hiểu được những ý tưởng tiết kiệm chi phí, như là sử dụng quảng cáo (product placement). Tôi thậm chí còn sẽ chỉ cho bạn cách để thiết lập website riêng giúp kêu gọi sự chú ý, hấp dẫn các nhà đầu tư, và cuốn cùng là biến nó trở thành trang web quảng cáo cho chính phim của bạn.


Khi ngân sách thấp: Lên lịch quay thế nào?


Hạch toán ngân sách cho phim của bạn là một quá trình khó khăn. Thông thường, ngân sách của bạn trước hết sẽ được chia vào các hạng mục, như ekip, đạo cụ, thiết bị,... hình thành nên tổng chi phí bạn phải bỏ ra. Chi phí hầu như sẽ được quyết định bởi thời gian bạn cần để quay hết phim đó, bởi nó liên quan đến lương cho đội ngũ, thời gian bạn thuê thiết bị và địa điểm,...


Nếu bạn biết rằng bạn chỉ có đủ khả năng chi trả lương cho 3 tuần quay, bạn sẽ phải lên lịch quay sao cho nó gói gọn trong vòng 3 tuần. Bạn lên lịch quay bằng cách phân tách kịch bản thành các thành tố (xem chương 4) và quyết định xem trong một ngày bạn sẽ quay bao nhiêu shot. Một nhà làm phim độc lập không thường xuyên có được cái cảm giác thoải mái khi được lên lịch quay trước rồi mới tính toán xem chi phí là bao nhiêu.


TIP:

Khi bạn đã tính toán cẩn thận về lịch quay và ngân sách dự kiến, giờ là lúc để bạn đưa nó cho một nhà đầu tư tiềm năng. Nó thể hiện rằng bạn không chỉ vẽ ra một con số từ trên trời, mà bạn đã thực sự biết rằng từng đồng sẽ được chi trả vào đâu, cho hạng mục nào.


Lên kế hoạch quay


Một trong những đầu mục trong việc lên kế hoạch quay phim là hình dung các shot quay của bạn thông qua storyboard, một kỹ thuật trong đó nhà làm phim sẽ phác ra một cái nhìn thô sơ về cảnh quay và góc máy (xem Chương 9). Bạn hoàn toàn có thể tự vẽ storyboard cho phim của mình mà không cần phải quá giỏi khoản vẽ vời. Chỉ cần vẽ nhân vật bằng người que hoặc sử dụng các phần mềm storyboard, như là Storyboard Quick (www.storyboardartist.com) hoặc Frame Forge 3D (www.frameforge3d.com). Mỗi phần mềm đều có sự lựa chọn nhân vật đa dạng cùng với thư viện rất nhiều đạo cụ và địa điểm.

 

MỘT SỐ TRANG WEB CHO NHÀ LÀM PHIM


Trở thành một nhà làm phim tức là bạn cần kết nối với các phương tiện có thể giúp bạn ý thức hơn về thế giới làm phim. Dưới đây là một số trang web có thể sẽ giúp ích cho bạn khi làm phim độc lập ngân sách thấp:


  • The Internet Movie Database (www.imdb.comwww.imdbPro.com) Trang web này liệt kê danh đề của các bộ phim và thông tin về bất cứ ai đang hoạt động trong ngành giải trí. Nó rất hữu ích khi bạn cần nghiên cứu về background của diễn viên, biên kịch hay nhà làm phim bất kỳ. Trong khi Imdb là trang miễn phí thì ImdbPro yêu cầu 12,95 đô nhưng sẽ có những thông tin liên hệ và những chi tiết quan trọng vốn không có trong bản miễn phí.

  • The Independent Feature Project (www.ifp.org) là một cách hữu hiệu để kết nối với thế giới của những nhà làm phim độc lập.

  • Storylink (www.storylink.com) là một trang web rất hay để tạo network với những nhà làm phim và biên kịch khác. Bạn sẽ thấy những bảng thảo luận, các bài blog, các sự kiện sắp diễn ra và profile. Nó còn chất đầy những tài nguyên làm phim nữa.

  • Film Independent (www.filmindependent.org) giúp đỡ các thành viên trong việc thực hiện phim và đưa nó đến cộng đồng. Họ cũng tổ chức Liên hoan phim Los Angeles và giải thưởng Independent Spirit.

  • The Independent (www.aivf.org) là một tổ chức hỗ trợ các nhà làm phim độc lập. Trên trang web của họ, bạn có thể tìm thấy cập nhật về các liên hoan phim, cùng với những chuyển động đang diễn ra trong thế giới làm phim độc lập.

  • IndieTalk (www.indietalk.com) là một forum thảo luận dành cho nhà làm phim nơi bạn có thể đăng và đọc các thông tin về chuyện biên kịch, tìm kiếm các đơn vị phân phối, hỗ trợ tài chính, và vô cùng nhiều các chủ đề khác. Đó là một nơi rất hay để kết nối với những nhà làm phim độc lập.

  • Hollywood Wiretap (www.hollywoodwiretap.com) có những thông tin cập nhật nóng hổi về toàn cảnh Hollywood cũng như thế giới làm phim độc lập.

 

HÃY NHỚ:

Bạn cũng cần lên kế hoạch về địa điểm mà bạn sẽ quay phim. Công sức bạn nghiên cứu, khảo sát địa điểm cũng cần nhiều như là bạn lên kế hoạch đi du lịch vậy, để rồi sau đó bạn có thể có những sự sắp xếp phù hợp, ví dụ như tìm hiểu cách di chuyển đến đó và đặt chỗ ở (nếu như bạn phải quay ở thành phố khác). Khi lên kế hoạch về địa điểm, hãy nhớ những điểm đáng lưu ý sau (và đến chương 6 để xem nhiều thông tin chi tiết hơn):

  • Bạn phải lựa chọn xem bạn sẽ quay ở bối cảnh thật, hay trên một địa điểm ảo mà bạn có thể xử lý sau đó bằng máy tính;

  • Không quan trọng bạn quay ở đâu, bạn phải ký một thỏa thuận với chủ địa điểm để chắc chắn rằng bạn sẽ có chỗ vào ngày quay.


Thuê diễn viên và thành lập ekip


Ekip của bạn là một gia đình thứ hai (đôi khi gia đình này sẽ xảy ra một chút mâu thuẫn). Bạn và ekip dành ra nhiều ngày đêm làm việc cùng nhau, vượt qua rất nhiều những thăng trầm. Vậy nên, việc thuê những người có sự tận tâm dành cho dự án của bạn và sẵn sàng dành hết sức lực vào nó vô cùng quan trọng. Bạn có thể sẽ phải trả chậm lương cho ekip nếu bạn đang sản xuất với chi phí vô cùng hạn hẹp (tìm hiểu cách giải quyết trong chương 7).


Diễn xuất có thể sẽ không khó như bạn nghĩ. Con người tự nhiên sinh ra đã có khả năng diễn, nhiều người đã diễn nhiều vai xuyên suốt các phần trong cuộc đời của họ. Mọi người liên tục đứng trước ít nhất 1 khán giả, hoặc là diễn độc thoại khi ở một mình. Trong chương 8, tôi sẽ dẫn bạn từng bước trong một quá trình tìm diễn viên, từ đó đưa kịch bản của bạn ra với ánh sáng. Tôi cũng sẽ bật mí cho bạn những bí mật về diễn xuất mà bạn có thể sử dụng để hướng dẫn diễn viên đạt được màn trình diễn xuất sắc nhất.


Quay cho đúng cách


Làm phim đòi hỏi những thiết bị đặc biệt, như là cần cẩu (crane - một thiết bị giúp bạn quay những góc từ trên cao), dolly (thiết bị giúp định hướng chuyển động camera), hệ thống máy quay,... Nó cũng bao gồm ánh sáng, âm thanh, diễn xuất và nhiều hơn thế nữa, tất cả đều sẽ được giải thích trong phần dưới đây:


1. Thấu cảm ánh sáng:


Ánh sáng vô cùng quan trọng, bởi nó có thể tạo ra mood và nhấn mạnh look toàn thể của phim. Không có nó, bạn - theo nghĩa đen - sẽ để cho diễn viên ở trong bóng tối.


Con mắt của máy quay cần lượng ánh sáng đủ để "nhìn thấy" một bức ảnh trọn vẹn. Ánh sáng đầy đủ là như thế nào? Bất cứ thứ gì tạo ra được lộ sáng (exposure) thích hợp cho một máy quay phim truyền thống hoặc hoặc cho đủ ánh sáng để đạt được lượng ánh sáng thích hợp mà máy quay kỹ thuật số có thể đọc được. Chương 11 sẽ cho bạn nhiều sự thật về ánh sáng.


HÃY NHỚ:

Ánh sáng có vai trò rất mạnh mẽ và có thể ảnh hưởng đến mood và tone của bất cứ cảnh phim nào trong phim. Một cinematographer tài năng kết hợp với một gaffer làm việc hiệu quả có thể đảm bảo cho phim của bạn có một look rất tuyệt vời.


2. Hãy lắng nghe:


Ngoài việc theo dõi diễn viên, bạn cần phải có khả năng lắng nghe họ nữa. Đây chính là lúc để nghệ thuật về âm thanh xuất hiện. Bạn cần đặt micro đủ gần với diễn viên để đạt được chất lượng thu âm tốt, nhưng phải đủ xa để nó không xuất hiện trong khung hình. Kỹ năng để thu được âm thanh tốt đến từ vị trí Kỹ sư âm thanh.


HÃY NHỚ:

Âm thanh trong sản xuất vô cùng quan trọng bởi diễn viên của bạn phải được lắng nghe đúng cách. Kỹ sư âm thanh của bạn, người sẽ nắm vai trò chính trong việc thu tiếng diễn viên trên set quay, cần phải biết loại micro nào cũng như thiết bị mix âm thanh nào nên được sử dụng. Chương 12 sẽ chia sẻ cho bạn những chi tiết cần thiết nhất.


3. Diễn viên và sự chỉ đạo diễn xuất:


Nếu bạn nhận nhiệm vụ chỉ đạo diễn xuất, bạn sẽ trở thành người dẫn dắt cho cả diễn viên và ekip của bạn. Bạn sẽ cần biết cách để đưa ra chỉ dẫn cho diễn viên bởi công việc của đạo diễn là giúp các diễn viên tạo ra được một màn diễn xuất đáng tin cậy, có thể đưa khán giả vào câu chuyện và khiến họ thấu cảm nhân vật, Chỉ đạo diễn xuất cũng bao gồm cả việc hướng dẫn diễn viên di chuyển một cách hiệu quả trước sự hạn chế về khung hình máy quay. Chương 13 sẽ hướng dẫn bạn chỉ đạo diễn xuất đúng cách với một số bí mật trong việc khởi động với diễn viên và chuẩn bị để họ làm được tốt nhất trên set.


4. Chỉ đạo qua ống kính máy quay


Để kể được câu chuyện bằng hình ảnh, bạn sẽ cần hiểu đôi chút về thiết bị máy quay (dù là máy phim truyền thống hay máy kỹ thuật số). Giống như việc lái xe, bạn không cần biết cơ chế vật lý nào khiến cái xe chạy, nhưng bạn vẫn cần biết kỹ thuật lái vậy. Còn trong ekip, người nắm rõ nhất về máy quay và cách sử dụng là cinematographer.


Chỉ đạo máy quay đòi hỏi một số kiến thức kỹ thuật về cách camera hoạt động và vai trò của những chiếc lens và filter (sẽ được giải thích trong chương 10). Chương 14 sẽ đề cập đến việc làm sao để bố cục được shot quay và khi nào thì cần chuyển động máy quay. Bạn cũng sẽ được khám phá về các kỹ năng cần thiết để một đạo diễn vận hành được set quay một cách trơn tru nhất.


Cắt! Giờ thì về hậu kỳ thôi!


Trong giai đoạn hậu kỳ, bộ phim cuối cùng cũng được hợp nhất lại từ các mảnh rời rạc. Biên tập phim là một cơ hội để bạn lùi lại và quan sát tổng thể tất cả những góc quay đã thực hiện, rồi bạn định hình, đưa chúng vào các khuôn để tạo ra sản phẩm chất lượng nhất. Bạn thậm chí có thể sửa một bộ phim cho nó trở nên tốt hơn trong quá trình biên tập. Đó là lúc bạn nhìn thấy mọi đan xen vào với nhau.

Các phần mềm biên tập phi tuyến tính giờ đã xuất hiện với giá cả không quá tốn kém (nhiều máy tính thậm chí còn có sẵn phần mềm dựng phim miễn phí). Với nó, bạn có thể biên tập bất cứ thứ gì, từ một phim gia đình cho tới một bản phim dài như phim chiếu rạp. Kỹ thuật biên tập phi tuyến tính cho phép bạn cắt các shot phim và ghép lại theo bất cứ thứ tự nào. Bạn có thể dễ dàng nhận ra sự khác nhau khi bạn sắp xếp các shot theo những cách khác nhau, hay khi bạn di chuyển hoặc xóa những cảnh quay chêm vào giữa, những thao tác đó đều ngắn gọn và dễ hiểu. Chương 15 nói cho bạn biết công nghệ kỹ thuật số ngày nay có những gì để bạn có thể biên tập ngay trên chính chiếc laptop của mình.


1. Lắng nghe phim của bạn


Đối lập với suy nghĩ thông thường của mọi người rằng âm thanh mà họ nghe thấy trong phim là âm thanh tự nhiên, thực sự thì toàn bộ soundtrack của một bộ phim phải được dựng như là dựng phần hình ảnh. Trong giai đoạn hậu kỳ, bạn có thể thêm và tạo ra bản thu âm, hội thoại, hiệu ứng âm thanh và âm nhạc (Chương 16 sẽ nói chi tiết hơn). Tiêu đề và danh đề cũng rất quan trọng, và tôi sẽ thảo luận về nó trong chương 18.


2. Mô phỏng phim với phần mềm


Nếu bạn không thể chi trả để có thể quay phim của mình trên máy phim, hoặc mua một máy quay kỹ thuật số (SD hay HD), có những chương trình máy tính có thể biến những footage của bạn trở nên giống như quay bằng phim. Những phần mềm này có thể tạo ra nhiễu hạt (grain), làm phim của bạn mịn hơn, làm camera rung một cách tự nhiên và vân vân. Phần mềm Magic Bullet Frames (có thể tải tại www.redgiantsoftware.com) có thể làm được điều đó. Nó còn có thể chuyển video 30 fps thành 24 fps, hay thêm các yếu tố để trông như thể video được quay bằng máy phim.

 

XÁCH BA LÔ LÊN VÀ TỚI CINE GEAR


Cine Gear là một trong những triển lãm mà tôi yêu thích nhất. Cứ tháng 6 hàng năm tại Los Angeles, hàng ngàn người đổ xô đến hội chợ triển lãm ngoài trời này để găp gỡ những người bạn làm phim, tạo mối quan hệ và thưởng ngoạn những tiến bộ mới nhất trong kỹ thuật thiết bị quay phim (và trong một số trường hợp, bạn còn có thể tự tay thử sử dụng các công nghệ đó). Cine Gear như là một cửa hàng đồ chơi khổng lồ dành cho các nhà làm phim. Buổi triển lãm kéo dài trong 2 ngày, bao gồm các hoạt động trưng bày và hội thảo. Nếu đăng ký sớm, bạn có thể may mắn được vào cửa miễn phí (vé vào cửa là 20 đô la). Thông tin có tại www.cinegearexpo.com

 

Nếu bạn không thể chi trả để quay phim dưới định dạng chất lượng cao (HD), Red Giant Software (www.redgiantsoftware.com) có một sản phẩm là Instant HD. Phần mềm này có thể chuyển những thước phim dưới dạng SD của bạn thành trông giống như là quay HD.


Phát hành phim và tìm kiếm khán giả


Công đoạn cuối cùng và cũng là quan trọng nhất trong quá trình làm phim đó là phát hành. Nếu không có một nhà phân phối lý tưởng, phim của bạn có thể mãi chỉ nằm trên kệ và chẳng có ma nào xem được cả. Giai đoạn phân phối này có thể đem lại cho bạn 10 đô la (chiếc vé duy nhất được mua bởi bố mẹ bạn) hoặc là 100 triệu đô la ở phòng vé. Bộ phim The Blair Witch Project có thể sẽ không bao giờ kiếm được một xu nào nếu như nó không được một nhà phát hành để ý trong Liên hoan phim Sundance. Kể cả một số phim tầm thường cũng có thể làm tốt về mặt thương mại bởi chiến lược phát hành thành công của họ. Ngược lại, một bộ phim xuất sắc cũng có thể bị flop ở phòng vé bởi nhà phát hành đã không có một kế hoạch phân phối thật sự hữu hiệu. Chương 19 sẽ là một số tip cho bạn trong việc tìm kiếm nhà phát hành của mình.

Comments


©2022 by Dinh Tuan Anh

bottom of page