top of page

[The Anatomy of Story] Chương 5: Moral Argument - Tuyên ngôn đạo đức (Part 1)

Writer's picture: Đinh Tuấn AnhĐinh Tuấn Anh

Updated: Aug 25, 2023

CHƯƠNG 5

MORAL ARGUMENT - TUYÊN NGÔN ĐẠO ĐỨC


Ở Hollywood hiện nay vẫn còn truyền tai nhau câu nói của Samuel Goldwyn⁽¹⁾: "If you want to send a message, try Western Union⁽²⁾", nghĩa là: "Nếu bạn muốn gửi đi một thông điệp⁽³⁾, xin mời đến Western Union". Hẳn vậy. Phát biểu những thông điệp quá hiển nhiên và giáo điều là thứ mà không ai làm trong kể chuyện. Những câu chuyện được đánh giá cao và phổ biến với đại chúng sở hữu những thông điệp mạnh mẽ nhưng được thể hiện đúng cách và đúng mực.


(1): Samuel Goldwyn: Nhà sản xuất phim nổi tiếng người Mỹ gốc Ba Lan, người đã góp phần thành lập Paramount và MGM.

(2): Western Union: Dịch vụ chuyển tiền quốc tế lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Mỹ.

(3): Ở đây Samuel Goldwyn chơi chữ với từ "message", vừa có nghĩa là tin nhắn, vừa có nghĩa là thông điệp. Ý của ông là trong phim ảnh, không ai nói huỵch toẹt thông điệp của phim ra cả.


Một câu chuyện hay không chỉ đơn giản là một chuỗi các sự kiện hay những cú twist được ghép nối với nhau để làm khán giả cảm thấy giải trí. Nó là một chuỗi các hành động đặt dưới quan hệ nhân quả có sự lồng ghép những ý nghĩa hay vấn đề đạo đức nào đó, được xây dựng để truyền tải một theme (chủ đề) chung bao trùm.



Khái niệm theme (chủ đề) có lẽ là khái niệm hay bị hiểu sai nhất trong tất cả các khía cạnh của việc kể chuyện. Nhiều người khi nhắc đến chủ đề thì quan niệm nó là subject matter, tức là một khái niệm hay một vấn đề cụ thể nào đó, họ gán cho nó một cái nhãn trong các danh mục, như đạo đức, tâm lýxã hội, rồi trích dẫn ra những ví dụ như cái chết, đối đầu thiện ác, sự cứu rỗi, khác biệt giai cấp, tham nhũng, trách nhiệm, tình yêu,...


Tôi thì không coi themesubject matter. Với tôi chủ đề là quan điểm, góc nhìn của tác giả về cách mà con người nên hành xử. Nói cách khác, nó là tầm nhìn về mặt đạo đức. Khi một nhân vật đang tìm mọi cách để đạt được mục tiêu, bạn hiểu rằng nhân vật đang phải đối mặt với những trở ngại đạo đức, từ đó cho phép bạn tự vấn câu hỏi rằng thế nào mới là cách hành xử đúng đắn, và đâu là lối sống, cách sống tốt nhất. Quan điểm đạo đức này là của riêng bạn, và thể hiện nó ra với khán giả là mục đích chính của việc bạn kể câu chuyện này.


Hãy nhớ lại cái ẩn dụ so sánh giữa cơ thể người và câu chuyện mà tôi đã nói ở chương 1. Một câu chuyện hay là một thực thể sống đúng nghĩa, trong đó các bộ phận của nó đồng thời phối hợp với nhau để xây nên một tổng thể hoàn chỉnh gắn kết. Nhưng ở từng bộ phận, tự bản thân nó cũng là một hệ thống với nhiều bộ phận nhỏ bên trong. Ví dụ, hệ thống nhân vật, cốt truyện và chủ đề - chúng kết hợp với nhau thành một đơn vị cấu thành nên câu chuyện nhưng chúng cũng tự kết nối với các bộ phận khác theo những cách khác nhau. Chúng ta đã từng so sánh hệ thống nhân vật như là trái tim và hệ thống tuần hoàn, cấu trúc câu chuyện là khung xương. Tiếp nối cái ẩn dụ đó, chúng ta có thể xem chủ đề là bộ não của câu chuyện, bởi vì nó cho ta thấy một kết cấu tổng thể. Trong vai trò não bộ, chủ đề dẫn dắt quá trình viết lách của bạn nhưng không quá chi phối đến mức biến câu chuyện từ một tác phẩm nghệ thuật thành một bài luận văn triết học.


Tùy vào từng tác giả và từng kiểu kết cấu câu chuyện, có rất nhiều cách để người viết cài cắm quan điểm đạo đức của mình vào trong câu chuyện. Một bên là những câu chuyện thể hiện chủ đề rất rõ nét như chính kịch, truyện ngụ ngôn, truyện châm biếm, văn học chính thốngtruyện kinh thánh. Những thể loại này đặc biệt lưu tâm đến việc tạo ra một quan điểm đạo đức phức tạp với những đoạn hội thoại được viết ra nhằm nhấn mạnh vào tính phức tạp và những mâu thuẫn xuất phát từ những tình huống phản ánh đạo đức nhân vật.


Ở chiều ngược lại là những hình thức kể chuyện đại chúng như phiêu lưu, thần thoại, viễn tưởng, hành động. Ở đó, quan điểm đạo đức thường không quá đặt nặng. Tác giả thường nhấn mạnh vào những tình tiết bất ngờ, hồi hộp, những yếu tố viễn tưởng và các trạng thái tâm lý cũng như cảm xúc thay vì những lựa chọn khó khăn phản ánh đạo đức nhân vật.


Nhưng dù là thể loại câu chuyện gì đi nữa, những tay viết tầm trung sẽ chỉ biết thể hiện quan điểm đạo đức hầu hết thông qua các đoạn hội thoại, và thế là câu chuyện cứ thế tràn ngập những "bài thuyết giảng đạo đức". Những câu chuyện như vậy, mà điển hình là hai tác phẩm Guess Who's Coming to Dinner?Gandhi chắc chắn sẽ bị chỉ trích vì thiếu tinh tế⁽⁴⁾ và quá giáo điều. Tệ hơn cả, những câu chuyện lên lớp một cách lộ liễu như vậy cực kỳ tẻ nhạt, khiến khán giả phải bỏ chạy khỏi lối giảng giải bức bối và lối kể chuyện vụng về thiếu kỹ thuật.


(4): Ở bản gốc tác giả dùng cụm từ "on the nose". Trong điện ảnh hay sân khấu, đây là thành ngữ được sử dụng rất nhiều với hàm ý một thứ gì đó thiếu chiều sâu ý nghĩa, thiếu tinh tế, quá hiển nhiên và bị rập khuôn. Nghĩa này mang tính tiêu cực và khác xa với nghĩa khác mà bạn có thể tìm thấy trên từ điển.


Bạn hẳn sẽ không bao giờ muốn xây dựng một nhân vật mà mục đích của anh ta chỉ để làm cái loa bô bô cho ý tưởng của mình. Những tay viết giỏi biết cách phô diễn quan điểm đạo đức của mình một cách chậm rãi và tinh tế, chủ yếu là thông qua cấu trúc câu chuyện và cách mà nhân vật đối phó với một tình huống cụ thể. Quan điểm đạo đức của bạn được đưa ra qua cách nhân vật chính đạt được mục tiêu và qua những gì mà nhân vật chính học được (hoặc không thể học được) trong suốt những khoảng thời gian khó khăn đó.


Trên thực tế, với vai trò là một tác giả, bạn tạo ra tuyên ngôn đạo đức (moral argument) thông qua những hành động mà các nhân vật của bạn làm trong câu chuyện, mà từ giờ tôi sẽ gọi đó là tuyên ngôn hành động (the argument of action). Vậy tuyên ngôn hành động đóng vai trò như thế nào trong kể chuyện?



KHÁM PHÁ MẠCH CHỦ ĐỀ THÔNG QUA NGUYÊN LÝ THIẾT KẾ


Bước đầu tiên trong việc xây dựng tuyên ngôn hành động là cô đọng lại chủ đề của bạn trong một câu duy nhất (theme line). Theme line là góc nhìn của bạn về việc hành xử như thế nào là đúng, thế nào là sai, và chúng có tác động thế nào đến cuộc đời của một con người. Theme line thực chất là một cách diễn tả không khác mấy quan điểm đạo đức của bạn, và khi mà bạn viết nó ra chỉ trong một câu, có thể nó sẽ nghe hơi hời hợt. Nhưng nó vẫn rất giá trị bởi nó ép bạn phải gom được tất cả những yếu tố đạo đức của câu chuyện vào trong một câu duy nhất.


Tuyên ngôn hành động rối rắm và phức tạp này sau cùng cũng sẽ được bạn cài cắm rải rác bên trong câu chuyện. Nhưng khởi nguồn của nó, như mọi khi, luôn là nguyên lý thiết kế (designing principle). Ở những chương trước, tôi đã nói rằng nguyên lý thiết kế là cốt lõi của tiền đề, và giờ thì bạn biết nó cũng là cốt lõi của theme line - mạch chủ đề luôn.


Nguyên lý thiết kế là yếu tố giúp cho mọi hành động diễn ra trong câu chuyện được tự nhiên và nguyên bản. Tôi có một mẹo nhỏ trong việc sử dụng nguyên lý thiết kế để đúc kết ra theme line, đó là hãy chỉ tập trung tìm ra những ảnh hưởng đạo đức (moral effects) của các hành động trong câu chuyện mà thôi. Nói một cách dễ hiểu hơn là trả lời cho câu hỏi: "Những hành động của các nhân vật trong câu chuyện gây tổn thương đến người khác như thế nào? Và nếu có thể thì các nhân vật đó khắc phục mọi chuyện ra sao?".


Một số kỹ thuật tương tự như sử dụng nguyên lý thiết kế đã có thể giúp bạn đào sâu tiền đề, thì nay cũng có thể gợi mở cho bạn chủ đề cho câu chuyện. Dưới đây là một số kỹ thuật đó.


Kỹ thuật "Cuộc hành trình"


Ẩn dụ hành trình hay ẩn dụ dịch chuyển là một nền móng hoàn hảo để bạn viết ra theme line bởi vì đó là cách để bạn cài cắm toàn bộ tư tưởng vào mạch truyện. Chuyến đi của Huck trên sông Mississippi cũng đánh dấu việc anh ta bước chân vào thế giới của chế độ nô lệ. Còn chuyến đi ngược dòng sông của Marlow để tới khu rừng cũng là chuyến thám hiểm vào trong lòng bóng tối và hỗn mang.


Cuộc phiêu lưu từ đảo Manhattan tới đảo Đầu Lâu trong King Kong hàm ý nói đến sự chuyển dịch từ nền văn minh hiện đại sang lãnh địa của tự nhiên và mọi rợ. Thế nhưng chính cuộc trở về từ đảo Đâu Lâu về Manhattan mới thể hiện rõ theme line của câu chuyện nhất, rằng cả hai hòn đảo này (đảo Đầu Lâu và đảo Manhattan) đều được cai trị bởi những cuộc chiến đẫm máu, nhưng chính nơi văn minh hiện đại hơn hóa ra còn tàn độc hơn nhiều lần.



Kỹ thuật "Biểu tượng duy nhất"


Một biểu tượng lớn duy nhất cũng có thể gợi ý cho bạn viết ra theme line hoặc yếu tố đạo đức cốt lõi. Một ví dụ kinh điển của việc sử dụng biểu tượng là trong tác phẩm The Scarlet Letter. Chữ A màu đỏ mà nhân vật Hester Prynne phải mang trên người dĩ nhiên đại diện cho tội lỗi (ngoại tình) của cô ở thời điểm bắt đầu câu chuyện. Nhưng không chỉ vậy, nó còn đại diện cho sự vô đạo đức ẩn sâu trong lòng thành phố thuộc về những kẻ che giấu tội lỗi của chính mình và những kẻ sử dụng luật lệ số đông để tấn công và dồn ép tình yêu đích thực.


Trong tác phẩm For Whom the Bell Tolls, hình ảnh chiếc chuông rung ngụ ý đến cái chết. Nhưng cụm từ dùng để đặt cho tiêu đề - "for whom the bell tolls" - thực ra xuất phát từ một câu khác mà chính câu gốc đó đã trở thành mấu chốt trong nguyên lý thiết kế của câu chuyện để rồi chủ đề cũng sinh ra từ đó. Câu gốc được trích từ tác phẩm Devotions upon Emergent Occasions của John Donne là:

No man is an island, entire of itself... Any man's death diminishes me, because I am involved in Mankind. And therefore, never send to know for whom the bell tolls, it tolls for thee.

Tạm dịch là:

Không ai sống đơn độc một mình như một hòn đảo trơ trọi, mỗi người là một phần của đại lục chính... Mỗi cái chết của ai đó đều làm một phần tôi chết đi, vì tôi là một phần của toàn thể nhân loại. Vì vậy, khi nghe tiếng chuông đổ chiêu hồn một người chết, đừng cho người đi hỏi ai chết. Chuông chiêu hồn ngươi đó.

Biểu tượng về con người, không phải là một cá thể riêng biệt mà là một thành viên trong một tập thể, đã thiết lập nên câu chuyện này, nó hẳn đã hàm ý cho khán giả về theme line của câu chuyện: khi đối mặt với cái chết, thứ duy nhất khiến cho cuộc sống có ý nghĩa là hy sinh cho những người ta yêu.


Kỹ thuật "Liên kết hai biểu tượng"


Kỹ thuật này vận hành tương tự như kỹ thuật "Cuộc hành trình". Hai biểu tượng đại diện cho hai thái cực của một phạm trù đạo đức. Khi kỹ thuật này được sử dụng, nó thường báo hiệu một sự xuống cấp về mặt đạo đức, nhưng đôi khi cũng có thể là ngược lại. Trong tác phẩm Heart of Darkness, tác giả sử dụng cả kỹ thuật này lẫn ẩn dụ hành trình để truyền đạt chủ đề của nó. Hai biểu tượng mà tác giả sử dụng thực chất đã được gợi ý trong tiêu đề tác phẩm, đó là quả tim đen (the dark heart) và giữa lòng tăm tối (the center of the moral darkness). Cả hai biểu tượng này đều gợi ý cho khán giả rằng sẽ có một cuộc lật tẩy những thứ gây ra sự sa đọa của con người.


Những loại nguyên lý thiết kế khác - như việc sử dụng các đơn vị thời gian, hay sáng tạo người kể chuyện, hay vén màn câu chuyện theo cách đặc biệt (những loại nguyên lý thiết kế này đã được tôi đề cập trong Chương 2) - cũng có thể giúp bạn hình dung rõ hơn về theme line. Chúng ta cùng nhắc lại những nguyên lý thiết kế của các tác phẩm mà tôi đã dùng làm ví dụ trong Chương 2 để xem chúng có thể giúp bạn đúc kết được theme line như thế nào.


MOSES, IN THE BOOK OF EXODUS

(MOSES TRONG SÁCH XUẤT HÀNH)

Nguyên lý thiết kế: Một người đàn ông không biết mình là ai gặp nhiều khó khăn trong việc dẫn dắt dân tộc mình đi đến tự do và nhận về Đạo đức luật, thứ mà sẽ định nghĩa chính bản thân anh ta và dân tộc anh ta.

Theme line: Một người đàn ông nhận trách nhiệm dìu dắt dân tộc mình được tưởng thưởng bằng những lời răn giảng đạo của Chúa.


ULYSSES

Nguyên lý thiết kế: Một câu chuyện odyssey thời hiện đại xảy ra trọn vẹn trong một ngày, nơi mà một thanh niên đang đi tìm bố mình và một người đàn ông khác đang tìm đứa con của mình.

Theme line: Người anh hùng đích thực là người dù phải chịu đựng được những khắc nghiệt thường ngày, vẫn dang tay cứu giúp người khác khi họ cần.


LOẠT SÁCH HARRY POTTER

Nguyên lý thiết kế: Một phù thủy trẻ học cách trưởng thành khi đi học tại một trường nội trú cho pháp sư trong suốt 7 năm học.

Theme line: Khi bạn được ban cho tài năng và quyền lực, bạn phải trở thành người lãnh đạo và học cách hy sinh cho những điều tốt đẹp.


THE STING

(LỪA BỊP)

Nguyên lý thiết kế: Câu chuyện kể về một sự lừa bịp nằm dưới vỏ bọc của sự lừa bịp khác, và điều đó đánh lừa cả kẻ thù lẫn khán giả theo dõi.

Theme line: Lừa dối và gian lận một chút có thể chấp nhận được nếu bạn sử dụng nó để chiến thắng cái ác.


LONG DAY'S JOURNEY INTO NIGHT

(ĐÊM TỐI CUỐI CÙNG Ở ĐỊA CẦU)

Nguyên lý thiết kế: Khi trời dần chuyển từ ngày sang đêm cũng là lúc các thành viên trong một gia đình phải đối mặt với những tội lỗi và bóng ma từ quá khứ của họ.

Theme line: Bạn phải học cách đối mặt với sự thật về chính bản thân mình và những người xung quanh, đồng thời học cả cách tha thứ cho người khác.


MEET ME IN ST. LOIUS

(GẶP TÔI Ở ST. LOUIS)

Nguyên lý thiết kế: Sự phát triển của một gia đình trong suốt một năm được hiện lên qua các sự kiện xảy ra vào mỗi mùa trong năm.

Theme line: Hy sinh cho gia đình quan trọng hơn việc đoạt lấy những vinh quang cá nhân.


COPENHAGEN

Nguyên lý thiết kế: Sử dụng một lý thuyết vật lý mang tên nguyên lý bất định Heisenberg để khám phá đạo đức mơ hồ của người đã tìm ra lý thuyết đó.

Theme line: Không dễ để hiểu được lý do cho mọi hành động của chúng ta và cũng không dễ để trả lời xem liệu hành động đó có đúng hay không.


A CHRISTMAS CAROL

(HỒN MA ĐÊM GIÁNG SINH)

Nguyên lý thiết kế: Câu chuyện đi theo hành trình tái sinh của một người đàn ông bằng cách để cho ông ta nhìn lại quá khứ, hiện tại và tương lai trong cùng một đêm Giáng sinh.

Theme line: Một người sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc hơn nếu anh ta biết sẻ chia với những người khác.



IT'S A WONDERFUL LIFE

(CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP)

Nguyên lý thiết kế: Cho khán giả thấy một cá nhân có thể có sức ảnh hưởng đến thế nào bằng cách vẽ ra kết cục của một thành phố hay thậm chí là cả một quốc gia nếu một người nào đó chưa bao giờ tồn tại.

Theme line: Sự giàu có của một người không được đong đếm bằng số tiền anh ta kiếm được mà là số lượng tình cảm đến từ mối quan hệ với bạn bè và gia đình.


CITIZEN KANE

(CÔNG DÂN KANE)

Nguyên lý thiết kế: Sử dụng phương pháp nhiều người kể chuyện để kể cuộc đời của một người đàn ông mà có thể sẽ không được ai biết tới.

Theme line: Nếu cố ép buộc người khác phải quý mến mình, kết cục sẽ chỉ là sự đơn độc.



PHÂN TÁCH CHỦ ĐỀ THÀNH NHỮNG MẢNG ĐỐI LẬP (OPPOSITIONS)


Như tôi đã đề cập, theme line là cách diễn đạt cô đọng của tuyên ngôn đạo đức. Giờ công việc của bạn là biểu thị theme line một cách lôi cuốn và thú vị. Để làm được điều này, bạn cần phân tách nó thành nhóm các khái niệm đối lập (oppositions), rồi gắn chúng vào nhân vật chính cũng như nhân vật phản diện.


Có ba kỹ thuật chính mà bạn có thể áp dụng: (1) buộc nhân vật chính phải đưa ra một quyết định mang tính đạo đức, (2) biến mỗi nhân vật trở thành một phương tiện để phản ánh chủ đề chính và (3) đặt các giá trị của các nhân vật vào một mối quan hệ mâu thuẫn nhau.


Quyết định mang tính đạo đức mà nhân vật chính phải đưa ra (The Hero's Moral Decision)


Quá trình phát triển của nhân vật chính có điểm đầu là nhu cầu (need) được phô bày ở đầu câu chuyện và điểm cuối là sự tự bộc lộ, theo sau là quyết định mang tính đạo đức (moral decision) mà nhân vật phải đưa ra. Con đường nối hai điểm cực này là xương sống của câu chuyện và nó dẫn lối cho bạn đi theo đúng hướng để thể hiện được quan điểm đạo đức của mình.


Để làm nổi bật quá trình phát triển về mặt đạo đức của nhân vật chính, một kỹ thuật kinh điển đó là gắn cho anh ta một khiếm khuyết trong nhân cách, sau đó cho khán giả thấy sự khao khát đánh bại đối thủ một cách cùng cực đã phô bày những gì tồi tệ nhất bên trong anh ta. Nói ngắn gọn, nhân vật chính phải "tha hóa" trước khi "tiến hóa". Chậm mà chắc, anh ta rồi cũng sẽ nhận ra rằng vấn đề đạo đức cốt lõi của bản thân chỉ có thể được giải quyết khi anh ta phải đưa ra quyết định lựa chọn một trong hai.


Không quan trọng là xuyên suốt câu chuyện, nhân vật chính hành động những gì, phức tạp đến đâu, rồi đến một lúc anh ta cũng phải đứng trước hai lựa chọn. Đó là điểm kết thúc của mọi thứ. Nếu coi chủ đề là một cái phễu thì quyết định đạo đức (moral decision) mà nhân vật phải đưa ra chính là phần hẹp của cái phễu đó. Hai lựa chọn phản ánh hai mặt của cùng một vấn đề đạo đức, từ đó chúng tạo nên hai mảng đối lập (oppositions) cho toàn bộ câu chuyện.


Quyết định quan trọng này thường được đưa ra ngay sau khi nhân vật chính đã học được bài học về đạo đức (sự tự bộc lộ đạo đức), thứ nhắc nhở cho nhân vật biết phải chọn cái nào. Trong một số trường hợp ít gặp, quyết định đến trước rồi mới đến sự tự bộc lộ. Sự tự bộc lộ lúc này đóng vai trò như là sự xác nhận xem quyết định mà nhân vật đưa ra là đúng hay sai.


KEY POINT: Bởi vì điểm cuối cuộc hành trình phát triển là quyết định cuối cùng mà nhân vật chính đưa ra, bạn hoàn toàn có thể dựa vào quyết định đó mà xác định các mảng đối lập (oppositions) về đạo đức cho câu chuyện.

  • Casablanca: Khi tình cũ của Rick là Ilsa quay lại với anh, anh ta hoàn toàn có thể dùng hai thị thực xuất cảnh để bỏ trốn cùng cô tới Mỹ. Nhưng Rick chọn ở lại chiến đấu chống Phát xít đức thay vì chọn tình yêu đời mình.

  • The Maltese Falcon (Chim ưng Malta): Thám tử Sam Spade khám phá ra rằng Brigid O'Shaughnessy đã sát hại người đồng nghiệp của anh ta. Khi cảnh sát tới, Spade đã chọn công lý thay vì người phụ nữ anh ta yêu.

  • Sophie's Choice (Lựa chọn của Sophie): Sophie kể cho một nhà văn trẻ người Mỹ về quá khứ của cô khi còn bị cầm tù ở trại tập trung Auschwitz. Khi vừa tới đó, cô đã bị buộc phải đứng giữa hai lựa chọn khủng khiếp, đó là chọn một trong hai đứa con của mình để lũ Phát xít Đức mang đi giết.

  • The Iliad: Trong trận chiến cuối cùng, Achilles đã giết chết Hector, chiến binh vĩ đại của thành Trojan, rồi kéo lê xác Hector bằng cỗ xe ngựa của gã. Sau đó, Achilles đã để cho cha của Hector, Priam, nhận cái xác về để ông ta có thể tổ chức một đám tang trọn vẹn.

  • Vertigo (Quay cuồng): Scottie phát hiện ra người yêu của gã, Madaleine, đã giúp đỡ một người đàn ông ám sát vợ mình. Quyết định đạo đức của gã xảy ra trước sự tự bộc lộ. Gã quyết định không tha thứ cho Madeleine, để rồi đau đớn nhận ra quyết định ấy đã dẫn đến cái chết của người phụ nữ mà gã yêu.


Nhân vật là phương tiện phản ánh chủ đề (Characters as Variations on a Theme)


Một khi bạn đã xác định được những mảng đối lập thông qua quyết định đạo đức mà nhân vật đưa ra, bạn sẽ mô tả chi tiết hơn sự đối lập này thông qua hệ thống nhân vật. Bạn sẽ biến mỗi nhân vật trở thành một cách diễn giải chủ đề, một phương tiện phản ánh chủ đề.


Các bước thực hiện kỹ thuật này như sau:

  • Bước 1: Xem lại quyết định về mặt đạo đức (moral decision) của nhân vật chính và tiền đề của câu chuyện để bạn nắm rõ vấn đề đạo đức trung tâm câu chuyện mà nhân vật chính phải giải quyết.

  • Bước 2: Đảm bảo mỗi nhân vật đều phải đối mặt với cùng một vấn đề đạo đức, nhưng theo những cách khác nhau.

  • Bước 3: So sánh nhân vật chính và đối thủ chính (bởi hai nhân vật này là hiện thân của các giá trị đạo đức đối lập trong câu chuyện của bạn). Sau đó so sánh nhân vật chính với các đối thủ phụ còn lại.

  • Bước 4: Xuyên suốt câu chuyện, mỗi người trong số các nhân vật chính sẽ nói lên tuyên ngôn đạo đức của bản thân mình thông qua hội thoại, qua đó đưa ra lý do cho những gì họ sẽ làm để đạt được mục tiêu. (Bạn lưu ý rằng một tuyên ngôn đạo đức chủ yếu được thể hiện qua cấu trúc câu chuyện, nhưng vẫn có một phần nhỏ được thể hiện qua hội thoại. Chúng ta sẽ bàn về cách viết hội thoại trong Chương 10).


TOOTSIE

(kịch bản phim được viết bởi Larry Gelbart và Murray Schisgal, 1982)

Tootsie là một câu chuyện kể về một anh chàng diễn viên cải trang thành một người phụ nữ để giành được vai diễn trong một show truyền hình. Nhưng rồi anh ta trót yêu một nữ diễn viên cùng trong dàn cast, và trớ trêu hơn nữa là một vài gã đàn ông lại bị cuốn hút bởi người phụ nữ giả danh.


Vấn đề đạo đức cốt lõi của nhân vật chính trong câu chuyện này là cách một người đàn ông đối xử với một người phụ nữ trong tình yêu. Mỗi phản diện và đồng minh của anh ta là một phiên bản khác nhau mô tả cách đàn ông đối xử với phụ nữ hoặc cách phụ nữ để cho đàn ông đối xử với mình.


L.A. CONFIDENTIAL

(BÍ MẬT LOS ANGELES)

(tác phẩm gốc của James Ellroy, kịch bản phim được viết bởi Brian Helgeland và Curtis Hánon, 1997)

Trong L.A. Confidential, ba thanh tra cảnh sát cùng điều tra một vụ giết người hàng loạt. Cả ba đều là nhân vật chính, và mỗi người trong số họ phải giải quyết một vấn đề đạo đức riêng liên quan đến việc thực thi công lý. Bud là một cảnh sát tự trao luật pháp vào tay mình, hắn tự cho phép mình trở thành thẩm phán, bồi thẩm đoàn và đao phủ. Jack thì đã bỏ lại đằng sau lý do hắn trở thành một cảnh sát, giờ đây hắn chỉ đi bắt bớ để kiếm tiền. Ed thì luôn muốn đem cái ác ra chịu tội trước công lý, nhưng gã đang dần sa vào trò chơi quyền lực, chỉ tìm cách leo lên vị trí đầu ngành. Các nhân vật chính khác cũng được hiện lên như là một ví dụ về sự tha hóa của công lý.


DANCES WITH WOLVES

(KHIÊU VŨ VỚI BẦY SÓI)

(tác phẩm gốc và kịch bản phim được biết bởi Michael Blake, 1990)

Dances with Wolves kể về chiến tích của một sĩ quan quân đội ở miền Tây nước Mỹ vào cuối những năm 1800. Anh ta dần dần bị hòa nhập với cuộc sống với người da đỏ Sioux mà anh ta đã từng nghĩ là kẻ thù của mình.


Vấn đề đạo đức của câu chuyện này là vấn đề phân biệt chủng tộc và văn hóa, cũng như cách để hòa nhập với vùng đất mới, sinh vật mới. Mỗi phản diện và đồng minh trong câu chuyện đều là một cách tiếp cận khác nhau với vấn đề này.


Giá trị của nhân vật trong các mối quan hệ mâu thuẫn (The Characters' Values in Conflict)


Khi các nhân vật cố gắng đạt được cùng một mục tiêu, các giá trị của họ được đặt vào trong những quan hệ đối lập và mâu thuẫn nhau. Các bước của kỹ thuật này là:

  1. Xác định những giá trị của nhân vật chính và các nhân vật quan trọng khác trong câu chuyện. Hãy nhớ rằng, giá trị ở đây là những niềm tin nằm sâu trong tâm trí mỗi nhân vật về những điều làm nên một cuộc sống tốt đẹp của họ.

  2. Cố gắng gán cho mỗi nhân vật một chuỗi các giá trị, và giá trị của người này càng khác biệt với người khác càng tốt.

  3. Khi nhân vật chính và những kẻ đối đầu chiến đấu với nhau để đạt được mục tiêu, hãy chắc chắn rằng các giá trị của họ được thể hiện ra và mâu thuẫn trực tiếp với nhau.

IT'S A WONDERFUL LIFE

(CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP)

(dựa trên truyện ngắn "The Greatest Gift" của Philip Van Doren Stern, kịch bản bởi Frances Goodrich, Albert Hackett và Frank Capra, 1946)

Khổ sở vì cuộc sống của mình ở một thị trấn nhỏ bị trấn áp bởi một tên độc tài, George Bailey đã có ý định tự sát cho đến khi một thiên thần cho anh ta thấy thế giới sẽ ra sao nếu anh ta chưa từng được sinh ra.

Nhân vật chính và kẻ phản diện trong câu chuyện này cùng chiến đấu để giành được cuộc sống họ mong muốn có được trong thị trấn, dựa trên những giá trị rất khác biệt mà mỗi người sở hữu.

  • George Bailey (Bedford Falls): Dân chủ, đứng đắn, tốt bụng, chăm chỉ - những giá trị của một người lao động điển hình;

  • Mr. Potter (Pottersville): Độc đoán, hám tiền, hám danh, tin rằng chỉ kẻ mạnh nhất mới được tồn tại.

THE CHERRY ORCHARD

(kịch bản bởi Anton Chekhov, 1904)

Trong The Cherry Orchard, một gia đình quý tộc nhưng nghèo quay trở về sống tại điền trang của gia tộc, cố gắng cứu nó khỏi cảnh nợ nần chồng chất.

Những nhân vật này phải chiến đấu để giành quyền cai quản điền trang. Thứ mà cuộc chiến này tập trung vào chính là giá trị của vườn cây anh đào. Bà Ranevsky và gia đình đánh giá cao nó vì vẻ đẹp tuyệt vời cũng như sự gợi nhắc về quá khứ của họ. Lopakhin lại chỉ thấy những giá trị vật chất, thực dụng và muốn chặt bỏ nó để xây những căn nhà nhỏ, từ đó cho thuê lại và kiếm tiền.

Những giá trị mà mỗi nhân vật tôn sùng đó là:

  • Bà Ranevsky: Tình yêu đích thực, vẻ đẹp, quá khứ

  • Lopakhin: Tiền bạc, địa vị, quyền lực, sự thực dụng, tương lai

  • Varya: Sự chăm chỉ, gia đình, hôn nhân, sự thực dụng

  • Trofimov: Sự thật, sự học hỏi, lòng trắc ẩn, tình yêu cao cả

  • Anya: Người mẹ, sự tốt bụng, tình yêu cao cả

FIELD OF DREAMS

(CÁNH ĐỒNG MƠ ƯỚC)

(dựa trên tiểu thuyết "Shoeless Joe" bởi W. P. Kinsella, kịch bản bởi Phil Alden Robinson, 1989)

Field of Dreams là một phiên bản Mỹ của The Cherry Orchard, nơi mà phe "vườn cây" đã chiến thắng. Cuộc chiến trong câu chuyện này là cuộc chiến về giá trị của nông trại, thứ mà Ray đã biến thành một sân bóng bầu dục.

  • Ray: Bóng bầu dục, gia đình, đam mê theo đuổi ước mơ

  • Mark: Tiền bạc, những giá trị thực dụng mà mảnh đất mang lại


Khi đã có trong tay các nhân vật, với mỗi nhân vật là một đại diện phản ánh một góc nhìn của theme (chủ đề) và cũng là đại diện cho những khía cạnh đối lập về giá trị, lúc này bạn có thể sẽ cần sử dụng đến kỹ thuật đối đầu bốn góc mà tôi đã giải thích trong chương 4. Trong đối đầu bốn góc, bạn thấy rằng ngoài nhân vật chính và phản diện chính còn có ít nhất hai phản diện phụ nữa. Làm được điều này, bạn sẽ khiến cho câu chuyện dù phức tạp đến đâu cũng liền mạch và thống nhất. Mỗi người trong bốn nhân vật này có thể đại diện cho một hướng khác nhau để tiếp cận với cùng một vấn đề đạo đức, và mỗi người trong số họ cũng thể hiện một nhóm các giá trị hoàn chỉnh mà không làm cho câu chuyện sụp đổ thành một mớ hỗn độn.


Key point: Tuyên ngôn đạo đức của bạn sẽ luôn có cảm giác thiếu chiều sâu nếu bạn tạo ra sự đối lập hai chiều quá rõ ràng, như là thiện đối đầu với ác. Chỉ khi bạn tạo ra được một mạng lưới đối lập (mà ví dụ điển hình là kỹ thuật đối đầu bốn góc), bạn mới khiến cho khán giả cảm nhận được sự phức tạp trong câu chuyện như là họ đang trải nghiệm đời thực.


Hãy nhớ rằng cả ba kỹ thuật mà tôi kể ở trên đều đảm bảo rằng theme được truyền tải một cách rất tự nhiên thông qua mỗi nhân vật thay vì tạo ra cảm giác chúng ta đang áp đặt nó lên các nhân vật, từ đó những thông điệp mà bạn truyền tải không còn bị giáo điều nữa. Bạn cũng hãy nhớ rằng câu chuyện có thêm chiều sâu là vì sự đối lập giữa các nhân vật không chỉ được dựa trên chuỗi hành động mà họ tạo ra, mà còn dựa trên việc họ đã cạnh tranh thế nào cho mục tiêu của mình. Khi mà cuộc sống của con người bị đặt vào hoàn cảnh nghiêm trọng, khán giả cũng được thấy cảm xúc của mình bị tác động mạnh mẽ.

 

Đọc thêm:

58 views0 comments

Comments


©2022 by Dinh Tuan Anh

bottom of page