top of page

Tản mạn về chuyện cảm thụ điện ảnh

Writer's picture: Đinh Tuấn AnhĐinh Tuấn Anh

Hôm nay có một bài post được thảo luận rất nhiều trên một group P nói về việc phải cảm nhận sao về một bộ phim cho đúng. Vậy nên tôi cũng muốn trình bày một chút về quan điểm điện ảnh của tôi.


Once upon a time in Hollywood (2019)

Khán giả là người (tự) quyết định


Điều đầu tiên, điện ảnh cũng như các môn nghệ thuật khác, dù mang dấu ấn cá nhân vô cùng đậm nét của người làm sáng tạo, không bao giờ được làm ra chỉ để mấy ông trong viện hàn lâm ngồi xem với nhau. Ý tôi là một bộ phim được sản xuất ra chắc chắn phải được đầu tư rất nhiều kinh phí, một phim ngắn độc lập hơn 10 phút thôi cũng ngốn cả chục triệu cho đến trăm triệu đồng. Vì vậy, chẳng có nhà đầu tư nào đi ném tiền của mình ra khỏi cửa sổ bằng cách đầu tư vào những bộ phim mà cuối cùng chỉ có đạo diễn và ekip của họ xem được.


Một bộ phim được sản xuất ra luôn phải hướng đến khán giả dù đó là bộ phận khán giả nào đi nữa. Và dĩ nhiên rồi, chúng ta không thể đòi hỏi rằng 100 khán giả thì cả 100 đều hiểu những ý đồ nghệ thuật sâu xa, những tầng tầng lớp lớp thông điệp mà nhà làm phim muốn truyền tải, Những khác biệt về vốn sống, trải nghiệm và hiểu biết giới hạn chúng ta trong khuôn khổ để nhận định về một bộ phim. Và cái hay của điện ảnh (và các môn nghệ thuật khác) đó là với cùng một nội dung, chúng ta hiểu về nó theo những cách khác nhau, không ràng buộc, không phán xét, không có đúng có sai, và mọi thứ chưa bao giờ là 1+1=2.


Vì vậy cũng thật nực cười khi thiên hạ moi hết tâm can chỉ trích một anh A nào đó vì anh ta đưa ra quan điểm trái chiều với những gì mà họ - được cho là phần đông - nghĩ. Tôi chỉ quan niệm thế này. Nếu bạn đọc nhiều bài cảm nhận - phân tích - review của anh A và thấy rằng mình đồng cảm với cách suy nghĩ của anh ta, có nghĩa là tâm hồn, trải nghiệm, vốn sống của hai người đồng điệu, thì có nghĩa là bạn có thể tin tưởng anh A trong những lần tiếp theo. Còn nếu không, bạn đi tìm một anh B / C / D khác, hoặc tự viết ra cảm nhận của riêng mình.


Shoplifters (2018)

Phân tích phim có cần kiến thức chuyên môn?


Câu hỏi này thực tế đã được tôi trả lời ở phần trên. Tác phẩm điện ảnh được làm ra không phải cho ekip xem lại, cũng không phải cho mấy ông trong viện hàn lâm, mà là dành cho khán giả. Khán giả - một tập hợp của những sự tinh tế, nông cạn, thông minh, ngu dốt, cổ hủ, phóng khoáng, thực tế, bay bổng, nghiệt ngã, sung túc, đau khổ, tuyệt vọng,... - là những người cuối cùng có tiếng nói với bộ phim, và chẳng quá 10% trong số đó thực sự am hiểu những kiến thức chuyên môn về điện ảnh.


(Thậm chí cho đến bây giờ, dù đã làm việc trong lĩnh vực phim ảnh, tôi vẫn giữ cho mình thói quen được xem phim thật hồn nhiên.)


Vậy tại sao khán giả - những người thiếu chuyên môn về điện ảnh - lại phải xem những bộ phim là sản phẩm của hàng loạt những kết quả nối tiếp nhau của một quy trình đầy tính chuyên môn? Tại sao một DoP cần tính toán tỉ mỉ, chi tiết từng góc máy, từng bố cục, từng chuyển động máy, hay từng cái đèn? Tại sao Director cần chỉnh từng cái nếp nhăn trên áo diễn viên, từng nếp nhăn trên khuôn mặt khi họ khóc, từng vật dụng, từng tạo hình, từng màu sắc? Tại sao bên cạnh đội thu âm hiện trường lại phải thêm thắt sound effect và bỏ cả đống tiền để thuê một chuyên gia scoring?


Có lẽ khi tôi đặt ra được từng ấy câu hỏi, bạn cũng đã có câu trả lời cho mình. Cảm xúc của khán giả giống như con tàu Titanic, bộ phim là phần nổi của tảng băng, là thứ ta nhìn thấy được, còn phần chìm chính là những kết quả sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ của ekip phía sau. Cảm xúc của khán giả vỡ òa khi va vào bộ phim, nhưng thứ thực sự làm cho họ chìm đắm vào trong tác phẩm lại là phần chìm kia.


Titanic (1997)

Bạn khóc vì đồng cảm với câu chuyện của nhân vật, nhưng để kể được cảnh xúc động đó, tôi cần những góc máy cận để lột tả được hết cảm xúc của diễn viên, có âm thanh nhẹ nhàng trầm lắng, có đồ vật mà nhân vật đó đang cầm trên tay gợi nhớ lại kỷ niệm buồn, có chuyển động máy đi chậm ra xa, có ánh sáng lạnh và mờ chiếu vào,... Và đây là cảnh kết phim khi nhân vật đã chịu một mất mát quá lớn. Tất cả những thứ đậm tính chuyên môn đó, từ biên kịch đến hình ảnh, diễn xuất, thiết kế mỹ thuật, âm thanh, dựng phim,... đi vào trong tâm trí khán giả một cách vô thức, khiến cho họ khi ra về phải viết ngay một dòng review rằng bộ phim thực sự quá cảm động. Nếu những thứ chuyên môn kia không được làm ra tỉ mỉ, một phần hoặc toàn bộ cảm xúc trong cảnh đó sẽ bị mất đi.


Vậy ý tôi ở đây là, khi nhà làm phim thành công trong việc truyền tải cảm xúc đến cho khán giả, có nghĩa là họ đã làm tốt ở phần chuyên môn. Phân tích phim rõ ràng không cần đến kiến thức chuyên môn, bạn chỉ cần nói ra hết những suy nghĩ, cảm xúc của mình sau khi xem bộ phim đó. Có người sẽ đồng cảm với bạn, có người nhìn theo một hướng khác tích cực hoặc tiêu cực hơn. Những người giỏi phân tích chuyên môn họ chỉ làm sáng tỏ hơn lý do vì sao cảm xúc của bạn lại được đẩy lên mãnh liệt như thế, đôi khi là rút ra được một vài ý nghĩa nhân sinh gì đó mà chính tác giả cũng không thể phát biểu thành lời.


Cái hay của điện ảnh là nó tạo ra hoặc mô phỏng lại thế giới. Những người có trải nghiệm và thế giới quan khác nhau, không thể có góc nhìn giống hệt nhau được. Tôi nghĩ rằng sẽ thật thú vị khi 100 khán giả xem phim cùng viết 100 suy nghĩ của họ, và ta sẽ có 100 bài viết không ai giống ai, chắc chắn là như vậy.


The Pianist (2002)

Cảm thụ điện ảnh đơn thuần không có lỗi, lỗi là bạn để cho sự lý trí lấn át những cảm giác ngây thơ, trong sáng của mình mỗi khi xem phim. Tôi nghĩ rằng một bộ phim dù hay đến đâu, sẽ là dở với bạn nếu bạn không thể đồng cảm cùng câu chuyện của họ, không được khóc, không được cười, không được si mê, không được lớn lên cùng nhân vật và không được cháy lên những điên dại ẩn sâu.

24 views0 comments

Comments


©2022 by Dinh Tuan Anh

bottom of page