top of page

Điều quan trọng là phải điên một chút

Writer's picture: Đinh Tuấn AnhĐinh Tuấn Anh

Updated: Aug 26, 2023

Đây là bài phân tích lời bài hát “Audition (The Fools Who Dream)” được nhân vật Mia (thủ vai bởi Emma Stone) cất lên ở gần cuối phim La La Land. Đây là bài hát mình thích nhất, cả về giai điệu lẫn ý nghĩa lời bài hát, trong phim này.


Bối cảnh: Mia tham gia một buổi thử vai nhân vật nữ chính cho một bộ phim sẽ được ghi hình tại Paris. Hội đồng tuyển chọn, thật bất ngờ, lại yêu cầu cô hãy kể một câu chuyện, không giống một buổi thử vai thông thường. Trước đó, Mia gặp rất nhiều khó khăn để chen chân trở thành một ngôi sao Hollywood. Cô sống ngày qua ngày bằng công việc pha chế cà phê và diễn trong các vở kịch, rồi tham gia các buổi thử vai và hy vọng một ngày nào đó, tên mình sẽ được xuất hiện trên credit của một bộ phim. Ngay trước buổi thử vai này, Mia đã gần như tuyệt vọng vì vở kịch cô viết đã thất bại thảm hại, còn Seb (thủ vai bởi Ryan Gosling) thì không đến tham dự.



Bài hát bắt đầu bằng những lời đọc:

My aunt used to live in Paris. I remember she used to come home, and she would tell us stories about being abroad. And I remember she told us that she jumped into the river once. Barefoot. She smiled.

Mia bắt đầu kể về người dì của mình, người đã từng có thời gian sống ở Paris và trở thành một nghệ sĩ, như Mia sắp tới. Người dì này có thể tồn tại, có thể không, nhưng chúng ta biết rằng Mia đang nói về một điều gì đó lớn lao hơn. Đó là câu chuyện về những người gặp trắc trở trên con đường nghệ thuật, những “dreamer” (kẻ mơ mộng) luôn phải chịu những áp lực và đôi khi không thể mơ những giấc mơ trọn vẹn của mình. Chúng ta ai cũng có thể là người mộng mơ, nhưng một số người chọn cách mộng mơ để kiếm sống, những con người làm nghệ thuật, hy vọng một ngày nào đó tác phẩm của mình được cả thế giới biết đến.

Mia tiếp tục kể: “Tôi còn nhớ dì ấy thường về nhà và kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện khi ở nước ngoài. Tôi nhớ rằng dì kể dì đã từng nhảy xuống sống một lần, bằng chân trần. Dì cười”.

Nụ cười thoáng xuất hiện trên môi người dì, đó là một nụ cười mãn nguyện. Vì sao dì lại mãn nguyện, câu trả lời sẽ nằm trong các câu hát sau đó.

Leapt, without looking And tumbled into the Seine The water was freezing She spent a month sneezing But said she would do it again.

“Nhảy xuống, mà không nhìn”: Nhảy xuống sông dường như là một việc rất khó khăn, nhất là khi bạn đứng từ trên và nhìn dòng nước xiết phía bên dưới. Để giảm đi nỗi sợ hãi, những người có ý định nhảy xuống chắc chắn sẽ phải nhắm mắt lại hoặc nhìn đi chỗ khác. Con sông tượng trưng cho thế giới của những người làm nghệ thuật, đầy chông gai và cạnh tranh khốc liệt. Đôi lúc chúng ta bước chân vào thế giới đó nhưng lại không muốn nhìn vào, vì những thứ bên trong có thể giết chết ý định của những kẻ mộng mơ.

“Và nhào xuống dòng sông Seine”: Sông Seine là dòng sông nổi tiếng nhất tại Paris, vừa lãng mạn nhưng cũng vừa nguy hiểm bởi tính quan trọng về mặt kinh tế của nó. Như đã nói ở trên, sông Seine tượng trưng cho môi trường nghệ thuật, nghe có vẻ lãng mạn và thi vị nhưng cuối cùng vẫn phục vụ cho mục đích thương mại. Vì vậy nó nguy hiểm với bất cứ ai muốn bước chân vào đó.

“Nước sông lạnh như muốn đóng băng, suốt cả tháng sau đó dì cảm lạnh, nhưng lại nói nhất định sẽ làm vậy một lần nữa”: Tiếp tục nói về sự khắc nghiệt của môi trường nghệ thuật, như dòng nước lạnh lẽo của sông Seine, nó khiến cho người khác phải trải qua những đau khổ. Nhưng dù bạc bẽo và cùng cực đến đâu, những kẻ mộng mơ vẫn muốn ở trong đó, vì nó thực sự rất đáng.

Here’s to the ones who dream Foolish as they may seem Here’s to the hearts that ache Here’s to the mess we make.

4 câu tiếp theo nói lên một cách trực diện vấn đề: Những người mộng mơ thường được người khác cho là ngốc nghếch. Ngốc nghếch bởi sự không thực tế của họ, như cách dì của Mia nhảy xuống dòng sông. Chính điều đó đã gây ra những nỗi đau, những vết nứt trong lòng (hearts that ache) và cuộc sống thì bị đảo lộn, rối tung. Đây chính là hình ảnh của Mia trong suốt cả bộ phim.

She captured a feeling Sky with no ceiling The sunset inside a frame She lived in her liquor And died with a flicker I’ll always remember the flame.

“Dì đã cố nén cảm xúc khi thấy bầu trời rộng lớn không thấy trần, và hoàng hôn thì được đóng khung”: Đây là những gì mà dì của Mia nhìn thấy khi đắm mình trong dòng nước của sông Saine. Dù đang ở dưới nước, những gì dì nhìn thấy lại đều gắn ở trên cao: bầu trời, mặt trời, thoát khỏi dòng sông. Điều dì nhìn thấy tượng trưng cho những suy nghĩ bên trong đầu của kẻ mơ mộng: không giới hạn (sky with no ceiling) và đầy nghệ thuật (the sunset).


“Hoàng hôn được đóng khung” có thể hiểu theo 2 cách:


  • “Frame” ở đây ý nói đến khung hình trong điện ảnh / khung ảnh / khung tranh: đều là những chất liệu trong nghệ thuật, ý nói đến công việc làm nghệ thuật.

  • Hoặc là sự đối lập với câu phía trên: trong khi bầu trời thì rộng lớn, bất tận và không có giới hạn, thì hình ảnh hoàng hôn lại bị đóng khung, ý nói sự giới hạn, không được thể hiện bản thân hết mình.

“Dì sống cùng cơn nghiện rượu, và chết với một cú lóe sáng”: Dì của Mia gặp struggle và áp lực trong cuộc sống, điều này là dễ hiểu, nên tìm đến rượu để giải sầu, và dần dần trở thành một kẻ nghiện rượu. “Cú lóe sáng” (flicker), giống như ánh sáng flash từ máy ảnh, ý nói rằng sự nghiệp của dì chỉ có một giây phút lóe sáng rồi lại tàn lụi. Tuy vậy, đời người đôi khi chỉ cần có một khoảnh khắc lóe sáng là đủ, đủ để đem lại động lực cho Mia theo đuổi con đường nghệ thuật.


“Tôi luôn nhớ ngọn lửa ấy”: Ngọn lửa nung nấu bên trong lòng người dì, ngọn lửa đam mê, ngọn lửa cống hiến, ngọn lửa truyền động lực cho Mia.

She told me:

“A bit of madness is key To give us new colors to see Who knows where it will lead us? And that’s why they need us”

“Dì nói với tôi: Một chút điên rồ chính là chìa khóa”: Đây là câu mình thích nhất trong bài hát này và là bài học cho mọi người cùng rút ra. Nếu không có sự điên rồ trong thế giới này thì sẽ chẳng có những thành tựu. Nếu Galileo không điên rồ tin rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời, mọi người vẫn sẽ tin rằng Trái Đất là trung tâm vũ trụ. Nếu không có những người tin rằng chúng ta có thể bay, máy bay đã không ra đời. Nếu không có sự điên rồ của Van Gogh thì đã không có những bức họa để đời để chiêm ngưỡng. Thật không may thay, dù đã được công nhận về vai trò của mình, sự điên rồ lại bị cố gắng hạ thấp bởi tư duy lối mòn. Một người mẹ muốn con mình trở thành bác sĩ thay vì travel blogger. Một người thầy giáo muốn học trò phải giỏi đủ 12 môn chính thay vì chỉ giỏi vẽ.


Vậy nên hãy điên lên một chút, hãy ích kỷ hơn một chút. Hãy nhảy xuống sông Seine, hãy làm theo con tim mách bảo, hãy thêm gia vị cho cuộc sống và tháo bỏ gông xích đang đeo trên người. Có thể chúng ta sẽ chỉ lóe lên như ánh đèn flash, nhưng ít ra chúng ta cũng sẽ không hối tiếc vì đã sống hết mình cho tuổi trẻ.


“Để cho chúng ta những màu sắc mới. Ai mà biết được điều đó sẽ dẫn ta tới đâu. Và đó là lý do họ cần chúng ta”: Chính sự điên rồ làm nên sự khác biệt giữa bạn và 7 tỷ người còn lại, không thể trộn lẫn được với ai. Đó là một màu sắc mới, một pixel riêng biệt, trong bức tranh tổng thể của loài người. Không ai biết điên rồ sẽ khiến cuộc sống của chúng ta đi theo hướng nào, có thể sẽ trở thành một siêu sao, nhưng cũng có thể xuống vũng lầy tăm tối. Nhưng nếu không điên, không khác biệt, không sáng tạo, ai sẽ cần bạn đây? Khi mà họ sẽ luôn có những lựa chọn tốt hơn?

So bring on the rebels The ripples from pebbles The painters, and poets, and plays

“Vậy hãy đem tới đây sự nổi loạn, những gợn sóng lan tỏa, những họa sĩ, những nhà thơ và những vở kịch”.


Rebel: sự nổi loạn, cách mạng, tượng trưng cho sự tiến hóa, lột xác, thay đổi một cách tích cực


Ripples from pebbles: những gợn sóng tỏa ra khi ném một hòn đá cuội xuống mặt nước. “Ripple” được bắt gặp trong cụm “the ripple effect”, tương tự với “hiệu ứng cánh bướm”. Ý nói một sự thay đổi sẽ dần đến sự lan tỏa, ảnh hưởng dây chuyền đến những người khác. Những người mộng mơ được so sánh với đá cuội. Những người họa sĩ, nhà thơ và những vở kịch có thể gây ảnh hưởng lớn lao đến loài người và thậm chí thay đổi thế giới.

And here’s to the fools who dream Crazy as they may seem Here’s to the hearts that break Here’s to the mess we make.

Đoạn này về cơ bản không khác gì đoạn điệp khúc trước đó. Tuy nhiên tác giả đã khéo léo thay từ “foolish” thành “crazy” và “ache” thành “break”, là những từ còn mạnh hơn lúc trước.


I trace it all back to then Her, and the snow, and the Seine Smiling through it She said she’d do it again

“Tôi nhìn lại tất cả từ trước đến giờ. Dì ấy, và tuyết, và sông Seine. Mỉm cười vượt qua điều đó, dì nói dì nhất định sẽ làm lại lần nữa”: Lời nói của dì làm Mia ngẫm lại những khó khăn đã trải qua. 2 câu cuối khẳng định rằng dù con đường nghệ thuật có khó khăn đến thế nào, những kẻ khờ dại thích mơ mộng vẫn sẽ mỉm cười cho qua, và tiếp tục đắm mình trong làn nước của khát khao cháy bỏng được thể hiện mình một (hoặc nhiều) lần nữa.

Kết lại: Bài hát nói lên câu chuyện của những người mộng mơ trong thế giới đầy thực dụng và nghiệt ngã, đôi khi không cho phép họ mơ nốt giấc mơ của mình. Nhưng hãy vượt qua những điều đó, hãy cứ điên rồ và khác biệt, bạn sẽ tìm được khoảnh khắc lóe sáng của cuộc đời mình và để khi đó sẽ không còn gì hối tiếc.

À và nếu bạn không làm trong lĩnh vực nghệ thuật thì cũng chẳng sao. Đâu chỉ có nghệ thuật mới được điên chứ, nhỉ?


Ở trên là cảm nhận cá nhân của mình về bài hát này, một bài hát rất hay và giàu ý nghĩa. Mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau, nên có ý kiến hay góc nhìn gì khác thì đóng góp cùng mình nhé.

39 views0 comments

Comentários


©2022 by Dinh Tuan Anh

bottom of page