CHƯƠNG 3
BẢY BƯỚC QUAN TRỌNG XÂY DỰNG CỐT TRUYỆN

5. BATTLE (TRẬN CHIẾN)
Xuyên suốt hành trình câu chuyện, nhân vật chính và đối thủ của anh ta liên tục đối đầu, tấn công, phản công lẫn nhau và đều cố gắng giành được mục tiêu. Mâu thuẫn nóng dần lên theo thời gian. Trận chiến (the battle) là cuộc đối đầu cuối cùng giữa hai kẻ này để xác định xem ai là người giành chiến thắng. Trận chiến cuối cùng này có thể là cuộc so găng bạo lực hoặc là giải quyết bằng ngôn từ.
THE ODYSSEY
Odysseus giết chết những kẻ ve vãn đã làm khổ vợ gã và phá hủy ngôi nhà của gã.
CHINATOWN (KHU PHỐ TÀU)
Một viên cảnh sát giết chết Evelyn, và Noah trốn chạy cùng con gái của Evelyn trong khi Jake rời đi trong tuyệt vọng.
THE VERDICT (SỰ PHÁN XÉT)
Frank đánh bại tên luật sư đối đầu với những ngôn từ vô cùng thuyết phục và sắc bén trong phòng xử án.
6. SELF-REVELATION (SỰ TỰ BỘC LỘ)
Trận chiến là một trải nghiệm căng thẳng và đau đớn đối với nhân vật chính. Cuộc thử thách gắt gao này khiến anh ta nhận thức rõ về việc bản thân anh ta là ai. Phần lớn chất lượng câu chuyện của bạn phụ thuộc vào sự đặc sắc của sự tự bộc lộ này. Vậy để có được sự tự bộc lộ tốt, đầu tiên bạn phải hiểu rằng bước này (giống như nhu cầu) có hai dạng hình thái: tâm lý và đạo đức.
Với sự tự bộc lộ tâm lý (psychological self-revelation), nhân vật chính lột bỏ vẻ bề ngoài mà anh ta đã sống trong đó suốt từ đầu câu chuyện, anh ta lần đầu tiên thành thật với chính bản thân mình. Việc này không hề mang tính thụ động, cũng không dễ dàng. Mà thay vào đó nó là hành động chủ động nhất, khó khăn nhất và can đảm nhất mà nhân vật chính làm trong toàn bộ câu chuyện.
Tuy nhiên, đừng để nhân vật của bạn cứ thế bước ra và nói ra rả về những điều anh ta đã học được. Việc này quá hiển nhiên và giáo điều, khán giả đã nhàm chán với kiểu đó rồi. Thay vào đó bạn nên ngụ ý về sự thay đổi nội tâm của nhân vật thông qua những hành động của nhân vật đã dẫn đến sự tự bộc lộ đó.

BIG (TRỞ THÀNH NGƯỜI LỚN)
Josh nhận ra cậu phải buông bỏ người bạn gái và cuộc sống ở công ty đồ chơi và trở lại là một đứa trẻ nếu cậu muốn có được cuộc sống tốt hơn sau này.
CASABLANCA
Rick buông những lời cay độc, lấy lại niềm tin lý tưởng của mình, và hy sinh tình yêu của anh ta dành cho Ilsa để có thể trở thành một chiến sĩ tham gia kháng chiến.
CHINATOWN (KHU PHỐ TÀU)
Sự tự bộc lộ của Jake mang chiều hướng tiêu cực. Sau cái chết của Evelyn, anh ta lẩm bẩm "Càng ít càng tốt". Anh ta có vẻ tin rằng cuộc đời mình không chỉ vô dụng mà còn gây ảnh hưởng xấu đến người khác. Một lần nữa, anh ta làm tổn thương người mình yêu thương.
DANCES WITH WOLVES (KHIÊU VŨ VỚI BẦY SÓI)
Dunbar tìm được một lý do mới để sống và một cách mới để trở thành một người đàn ông đúng nghĩa nhờ người vợ mới cưới của anh ta và gia đình Lakota Sioux. Trớ trêu thay, lối sống của Lakota đang đến bờ vực của sự tận diệt, vậy nên sự tự bộc lộ của Dunbar mang cả sự tích cực lẫn tiêu cực.
Nếu bạn trao cho nhân vật chính của mình một nhu cầu đạo đức, sự tự bộc lộ của anh ta cũng nên là sự tự bộc lộ về đạo đức. Nhân vật chính không chỉ có nhận thức mới về bản thân mình, anh ta còn hiểu được cách hành xử đúng đắn với người khác. Anh ta nhận ra mình đã sai, mình đã gây tổn thương cho người khác, và rằng anh ta phải thay đổi. Sau đó anh ta chứng tỏ mình đã thay đổi bằng việc thực hiện những hành động xử sự mới.
TOOTSIE
Michael nhận ra điều làm nên một người đàn ông đích thực - "Khi ở với em dưới hình hài phụ nữ, anh thậm chí là một người đàn ông tốt hơn cả khi anh ở dưới hình hài đàn ông. Anh sẽ học cách làm điều đó ngay cả khi không còn mặc chiếc váy này nữa" - và rồi anh ta xin lỗi vì đã làm tổn thương người phụ nữ anh ta yêu. Trong trường hợp này, bạn lưu ý rằng cho dù nhân vật chính đã nói thẳng ra điều anh ta học được thì anh ta cũng nói theo một cách hài hước và thông minh để tránh khiến câu nói của mình trở thành những lời giáo điều.
ADVENTURES OF HUCKLEBERRY FINN (NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU CỦA HUCKLEBERRY FINN)
Huck nhận ra anh ta đã sai khi nghĩ rằng Jim thấp kém, không phải là người. Huck tuyên bố rằng anh ta thà xuống địa ngục chứ nhất định không nói cho chủ nhân của Jim biết chỗ ở của anh ta.
Về mặt công thức, bước tự bộc lộ này có liên hệ khá gần gũi với bước nhu cầu. Hai bước này đều thể hiện sự thay đổi của nhân vật chính (chúng ta sẽ khám phá điều đó rõ hơn trong chương sau). Nhu cầu là sự khởi đầu của sự thay đổi của nhân vật. Sự tự bộc lộ là điểm cuối của sự thay đổi đó. Nhu cầu ngụ ý sự chưa trưởng thành, là điều mà nhân vật còn thiếu, là thứ cản bước nhân vật. Sự tự bộc lộ là khoảnh khắc khi nhân vật trưởng thành, trở thành một con người đúng nghĩa (trừ khi sự thật quá đau đớn đến mức hủy hoại anh ta). Nó là điều anh ta học được, thu thập được, và là thứ cho anh ta một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.
7. NEW EQUILIBRIUM (TRẠNG THÁI CÂN BẰNG MỚI)
Ở trạng thái cân bằng mới, mọi thứ trở lại bình thường, tất cả những ham muốn không còn nữa, ngoại trừ việc đã có một sự thay đổi rất lớn. Nhân vật chính đã đạt được một vị thế tốt hơn khi đó là kết quả của những gì đã xảy ra sau cuộc thử lửa gắt gao. Một sự thay đổi cơ bản và trường tồn đã xảy ra bên trong anh ta. Nếu sự tự bộc lộ là tích cực - nhân vật chính sẽ nhận ra anh ta thực sự là ai và học được cách sống đúng đắn hơn trong thế giới của mình - anh ta chuyển lên một tầm cao mới. Nếu nhân vật đó trải qua sự tự bộc lộ tiêu cực - anh ta nhận ra mình đã phạm phải một tội lỗi khủng khiếp bộc lộ rõ khiếm khuyết của bản thân - hoặc không thể có được một sự tự bộc lộ nào đó, nhân vật sẽ thất bại hoặc bị hủy hoại.
Hãy cùng xem một số ví dụ mà cuối cùng nhân vật chính có kết thúc tốt đẹp:
DIE HARD (ĐƯƠNG ĐẦU VỚI THỬ THÁCH)
John đánh bại bọn tội phạm, cứu được vợ của mình, và khẳng định tình yêu của họ.
PRETTY WOMAN (NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐẸP)
Vivian thoát khỏi thế giới mại dâm và sống cùng người đàn ông mà cô yêu (may mắn thay người đó lại là một tỷ phú).
THE SILENCE OF THE LAMB (SỰ IM LẶNG CỦA BẦY CỪU)
Clarice đem Buffalo Bill ra ánh sáng công lý, trở thành một đặc vụ FBI xuất sắc, và có vẻ như đã chế ngự được những cơn ác mộng kinh hoàng của cô.
Những tác phẩm dưới đây phản ánh sự thất bại của nhân vật chính.
OEDIPUS THE KING (OEDIPUS LÀM VUA)
Oedipus đã tự móc mắt khi biết rằng hắn đã giết cha mình và ngủ với mẹ mình.
THE CONVERSATION
Nhân vật chính phát hiện ra rằng anh ta đã vô tình tiếp tay một vụ ám sát. Quá choáng váng, anh ta tuyệt vọng phá nát căn hộ của mình để tìm thiết bị nghe lén.
VERTIGO (QUAY CUỒNG)
Nhân vật chính kéo người phụ nữ hắn yêu lên đỉnh của một tòa tháp để bắt cô phải thú nhận tội giết người, để rồi kinh hoàng nhìn xuống khi người phụ nữ đó (với mặc cảm tội lỗi) đã vô tình rơi xuống chết.

TỔNG KẾT
CÁCH SỬ DỤNG 7 BƯỚC - BÀI TẬP VIẾT SỐ 2
Bạn vừa được giới thiệu về ý nghĩa của bảy bước quan trọng xây dựng cấu trúc câu chuyện. Bây giờ hãy cùng học cách sử dụng chúng cho câu chuyện của bạn.
Story Events (Các sự kiện trong câu chuyện)
Hãy viết ra một số sự kiện, miêu tả mỗi sự kiện đó bằng một câu duy nhất.
Bảy bước này không tự dưng biến ra từ hư không rồi ráp vào câu chuyện, chúng được lấy ra từ trong chính ý tưởng ban đầu. Đó là lý do vì sao việc đầu tiên bạn cần làm để xác định bảy bước này là liệt kê ra một số sự kiện có thể xảy ra trong câu chuyện của bạn.
Thông thường, khi bạn nảy ra một ý tưởng, một số sự kiện nhất định sẽ ngay lập tức hiện ra trong đầu bạn. "Điều này có thể xảy ra, và điều này có thể xảy ra, và điều này cũng có thể xảy ra". Các sự kiện trong câu chuyện thường là những hành động được thực hiện bởi nhân vật chính hoặc kẻ phản diện.
Những hình dung về các sự kiện có thể xảy ra trong câu chuyện thường rất đáng giá, cho dù trong bản thảo cuối cùng chúng không xuất hiện đi nữa. Bạn hãy viết mỗi sự kiện ấy ra trong một dòng duy nhất. Điểm quan trọng ở đây là bạn đừng đi vào chi tiết mà chỉ cần viết ra ý tưởng cơ bản về điều gì sẽ xảy ra trong mỗi sự kiện đó thôi.
Bạn nên viết ra tối thiểu khoảng 5 sự kiện, nhưng 10-15 là tốt nhất. Càng list được nhiều sự kiện, bạn càng dễ để hình dung ra câu chuyện và tìm cho mình bảy bước.
Order of Events (Thứ tự các sự kiện)
Hãy đặt nháp các sự kiện trong câu chuyện theo một thứ tự từ đầu đến cuối.
Bạn hãy hiểu rằng đây có thể sẽ không phải là thứ tự cuối cùng của bạn. Cái quan trọng là bạn có được một cái nhìn về cách mà câu chuyện của bạn phát triển.
Bảy bước
Nghiên cứu các sự kiện và xác định bảy bước cấu trúc
KEY POINT: Việc đầu tiên bạn cần làm lại không phải là bước đầu tiên trong 7 bước, mà trước hết là xác định sự tự bộc lộ (self-revelation). Sau đó bạn mới quay lại đầu câu chuyện và xác định nhu cầu và ham muốn của nhân vật chính.
Kỹ thuật bắt đầu từ cuối rồi lại đi ngược trở về đầu là kỹ thuật mà chúng ta sẽ sử dụng lặp đi lặp lại trong cuốn sách này, cả trong quá trình chúng ta tìm hiểu nhân vật, cốt truyện và chủ đề. Đó là một trong những kỹ năng hay ho nhất trong việc viết tiểu thuyết bởi vì nó đảm bảo rằng nhân vật chính và câu chuyện của bạn luôn hướng về một điểm kết đúng đắn, đó là sự tự bộc lộ.
Psychological and Moral Self-Revelation (Sự tự bộc lộ tâm lý và đạo đức)
Trong lúc xác định sự tự bộc lộ, hãy cố gắng trao cho nhân vật chính của bạn cả sự tự bộc lộ về tâm lý lẫn đạo đức
Hãy xác định rõ ràng về điều mà nhân vật chính của bạn sẽ học được hay đúc kết ra được. Và hãy thật linh hoạt, luôn ở trong tâm thế sẵn sàng thay đổi những thứ mà bạn đã viết ra trong lúc bạn viết sáu bước còn lại cũng như trong suốt quá trình viết bản thảo cuối. Việc làm bảy bước này, tương tự các phần còn lại của câu chuyện, rất giống với việc chơi trò đố chữ. Một số phần bạn giải ra dễ dàng, các phần khác lại rất khó khăn. Bạn phải giải ra các phần dễ trước để có manh mối giải được phần khó, và luôn sẵn sàng mở lòng để thay đổi những gì bạn đã viết ra khi mà những chất liệu sau đó mở ra cho bạn một câu chuyện hoàn toàn mới.
Psychological and Moral Weakness and Need (Điểm yếu, nhu cầu tâm lý và đạo đức)
Sau khi tìm ra được sự tự bộc lộ, bạn hãy quay trở lại điểm xuất phát của câu chuyện. Hãy thử trao cho nhân vật chính cả điểm yếu, nhu cầu về mặt tâm lý và đạo đức.
Hãy ghi nhớ sự khác biệt cốt lõi. Một điểm yếu hay nhu cầu về tâm lý chỉ ảnh hưởng đến nhân vật chính. Còn một điểm yếu hay nhu cầu về đạo đức ảnh hưởng đến cả những người khác.
Bạn hãy đi tìm không chỉ một mà nhiều hơn những điểm yếu và khiếm khuyết của nhân vật chính. Đây nên là những khiếm khuyết nghiêm trọng, thật sự sâu sắc và nguy hiểm đến mức chúng hủy hoại cuộc đời của nhân vật chính hoặc có nguy cơ cao dẫn đến kết cục ấy.
Problem (Vấn đề)
Vấn đề (hay khủng hoảng) mà nhân vật chính gặp phải ở đầu câu chuyện là gì? Bạn cần phải xây dựng nó như là một hệ quả tất yếu đến từ điểm yếu của nhân vật.
Desire (Ham muốn)
Hãy viết ra thật chi tiết ham muốn mà bạn muốn trao cho nhân vật của mình.
Hãy đảm bảo rằng ham muốn của nhân vật sẽ dẫn anh ta đến cái kết mà bạn đã định sẵn và buộc anh ta phải thực hiện những hành động để hoàn thành việc đó.
Opponent (Chướng ngại, đối thủ)
Hãy tạo ra một chướng ngại có cùng một mục đích với nhân vật chính và đặc biệt giỏi trong việc tấn công vào điểm yếu của anh ta.
Bạn có thể tạo ra hàng trăm trở ngại cho nhân vật chính. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Đâu là chướng ngại nguy hiểm nhất? Để trả lời được cho câu hỏi đó, bạn phải bắt đầu với một câu hỏi quan trọng khác: Mâu thuẫn sâu sắc nhất mà nhân vật chính và kẻ phản diện đang chiến đấu là gì? Bạn cần một kẻ phản diện chính cũng có khao khát đạt được mục tiêu tương tự nhân vật chính. Bạn cũng cần kẻ phản diện có một khả năng đặc biệt nào đó để tấn công vào điểm yếu lớn nhất của nhân vật chính, và hắn ta sẽ không ngừng làm điều đó để đạt được mục tiêu.
Plan (Kế hoạch)
Hãy tạo ra một kế hoạch đòi hòi nhân vật chính phải thực hiện hàng loạt những hành động, và kế hoạch đó có thể điều chỉnh được khi mọi thứ không đi theo đúng những gì anh ta đã vạch ra.
Nhìn chung kế hoạch sẽ định hình phần còn lại của câu chuyện. Vậy nên nó phải có nhiều bước, không thì sẽ làm cho câu chuyện của bạn sớm kết thúc. Nó cũng phải độc đáo và đủ phức tạp để nhân vật có thể điều chỉnh lại khi đi trật đường ray.
Battle (Cuộc chiến)
Giờ thì hãy viết ra cuộc chiến cuối cùng và cách nó kết thúc để tạo ra trạng thái bình thường mới.
Cuộc chiến cần sự tham gia của cả nhân vật chính và kẻ phản diện, nó sẽ quyết định ai là người chiến thắng cuối cùng, một lần và mãi mãi. Bạn cũng cần quyết định đây là cuộc chiến được giải quyết bằng nắm đấm hay ngôn từ. Dù bạn chọn gì đi nữa, hãy đảm bảo đây là cuộc chiến cực kỳ căng thẳng, là bài test về sức chịu đựng khó nhằn nhất trong suốt cuộc hành trình của nhân vật chính.
Dưới đây, tôi sẽ phân tích bảy bước cấu trúc của một câu chuyện mang tên The Godfather để bạn hiểu rõ bài thực hành này:

THE GODFATHER
(BỐ GIÀ)
(tác phẩm gốc của Mario Puzo, kịch bản phim được viết bởi Mario Puzo và Francis Ford Coppola, 1972)
Nhân vật chính: Michael Corleone
Điểm yếu: Michael còn trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm, chưa trải qua thử thách và tự tin thái quá
Nhu cầu tâm lý: Michael cần vượt qua tính thượng đẳng và sự tự cao của bản thân
Nhu cầu đạo đức: Anh ta cần tránh để bản thân trở nên tàn độc như những tên trùm mafia khác trong khi vẫn bảo vệ được gia đình mình
Vấn đề: Băng đảng mafia đối đầu đã bắn chết cha của Michael, người đứng đầu gia đình mafia
Ham muốn: Michael muốn trả thù kẻ đã bắn chết cha của mình và bằng cách đó có thể bảo vệ gia đình anh
Đối thủ: Đối thủ đầu tiên của Michael là Sollozzo. Tuy nhiên, đối thủ chính lại là Barzini, người có nhiều quyền lực hơn nhiều, ông ta đứng sau giật dây Sollozzo, và có mục tiêu hạ bệ toàn bộ gia đình Corleone. Michael và Barzini đấu tranh cho sự tồn vong của gia đình Corleone và quyền điều khiển thế giới tội phạm ở New York.
Kế hoạch: Kế hoạch đầu tiên của Michael là giết Sollozzo và kẻ bảo kê cho hắn, viên cảnh sát trưởng. Kế hoạch thứ hai ở gần cuối câu chuyện là giết những ông trùm của các gia đình khác chỉ bằng một vụ ám sát duy nhất.
Cuộc chiến: Trận chiến cuối cùng là hai cảnh crosscut: (1) Cảnh Michael có mặt ở lễ rửa tội của đứa cháu trai mới chào đời và (2) cảnh giết những kẻ đứng đầu của năm gia đình mafia. Tại lễ rửa tội, Michael nói rằng anh ta tin vào Chúa. Cùng lúc đó, Clemenza bắn chết một vài gã đang bước ra từ thang máy. Moe Green thì bị bắn vào mắt. Sau đó, Michael tuyên thệ từ bỏ Satan theo nghi lễ rửa tội. Một tên sát thủ khác bắn chết một trong những tên trùm mafia tại cửa xoay. Rồi đến lượt Barzini cũng bị bắn gục. Tom cũng giết chế Tessio. Và cuối cùng, Michael tự tay bóp cổ Carlo đến chết.
Sự tự bộc lộ tâm lý: Không có. Michael vẫn tin rằng sự thượng đẳng và tự cao của mình là đúng đắn.
Sự tự bộc lộ đạo đức: Không có. Michael cuối cùng trở thành một kẻ giết người máu lạnh. Trong câu chuyện này, tác giả sử dụng một kỹ thuật kể chuyện phức tạp hơn khi trao sự tự bộc lộ đạo đức cho người vợ của nhân vật chính, Kay, người tin rằng kết cục của Michael là một gáo nước lạnh lên đầu cô.
Trạng thái cân bằng mới: Michael tiêu diệt kẻ thù của mình và "nâng cấp" lên thành một Bố già mới. Nhưng về mặt đạo đức, anh ta xuống cấp và trở thành một con quỷ tàn độc. Người đàn ông này đã từng không hề dính dáng đến bạo lực và những tội ác của gia đình mafia của mình nay đã trở thành người đứng đầu gia đình đó và sẽ giết bất cứ ai phản bội hay cản đường hắn.
Đọc thêm:
Comments